GuidePedia

0

Quần thể tháp Pô Sah Inư có kiến trúc đơn giản, nhưng mang đậm dấu ấn một thời thịnh vượng của Vương quốc Champa xưa. Quần thể các tháp này đang được bảo vệ rất tốt. Hàng năm, cộng đồng Chăm ở Bình Thuận đến đây làm lễ Ka-tê tạo một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách...

Quần thể tháp Pô Sah Inư nằm trên đồi Bà Nài (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về hướng Mũi Né. Theo các nghiên cứu và khai quật khảo cổ, nhóm tháp này được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX. Không cầu kỳ với những họa tiết trên bề mặt, không có cửa vòm nhưng những ngôi tháp đã tạo được những ấn tượng mang đậm văn hóa của người Chăm xưa. Trong quần thể các tháp này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nền móng của một ngôi đền bị sụp đổ. Hiện nay, quần thể này chỉ còn 3 tháp. Trong đó, tháp lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thờ thần Shiva với bộ Linga-Yoni làm bằng đá đen nguyên khối. Gần đó là 2 ngôi tháp nhỏ, bị hư hỏng khá nặng. Tháp nhỏ nhất, nằm sát tháp lớn thờ thần Lửa. Cách đó khoảng 50 m là tháp thờ thần Bò và thần Nandin.


Đọc tiếp: Du lich Cua Lo

Riêng gạch nền và ngói được khai quật xung quanh các ngôi tháp này cho thấy có niên đại từ khoảng thế kỷ XV. Phần nền gạch này cho thấy công trình kiến trúc rộng lớn như một ngôi đền với nhiều tầng bậc. Ngôi đền này thờ Pô Sah Inư - con gái của vua Para Chanh. Tương truyền rằng, công chúa Pô Sah Inư là một người tài sắc vẹn toàn. Bà có công dạy cho người dân cách ứng xử, dạy nghề đánh cá, làm gốm, dệt vải cho cư dân Champa ở Pajai tức Phú Hài ngày nay. Từ những công trạng đó, người dân rất tôn kính bà. Khi mất đi, bà được nhân dân thần thánh hóa và lập đền thờ để ghi công... Ngày 03/4/1991, nhóm đền tháp này được công nhận di tích cấp Quốc gia, lấy tên gọi chung là Quần thể tháp Pô Sah Inư. Từ năm 1994-2000, tỉnh Bình Thuận trùng tu tôn tạo thêm cảnh quan cho khu vực này phục vụ du lịch.

Vị trí ngọn đồi Bà Nài khá lý tưởng. Đỉnh cao nhất là lầu Ông Hoàng được nhiều người biết đến qua thi ca Hàn Mặc Tử. Từ đây, có thể nhìn xung quanh. Hai mặt là trùng khơi xanh thẳm. Còn lại là hướng núi và hướng nhìn về thành phố Phan Thiết. Tại đây có thể nhìn ngắm bình minh mọc lên từ mặt biển và hoàng hôn sau những rặng núi mờ xa. Vì vậy, nhiều du khách rất thích thú khi chọn cho mình thời điểm đến tham quan điểm du lịch này. Cũng với vị trí này, du khách từ nhiều nước trên thế giới đến đây để xem nhật thực toàn phần hoàn thiện nhất vào năm 2000.

Di tích nằm trên đường từ Phan Thiết ra Mũi Né, nên rất thuận tiện để du khách ghé tham quan. Khu vực này vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ vốn có của nó từ bao đời nay, dù cách thành phố khoảng 7 km. Ban quản lý khu du lịch chỉ đầu tư xây dựng những bậc thang để lên đồi và sân bãi đậu xe. Riêng khu vực tháp và lầu Ông Hoàng đều giữ lại nét hoang sơ, thơ mộng. Những đêm trăng sáng, đứng ở Đồi Dương trung tâm thành phố vẫn thấy rõ ngôi tháp thờ thần Shiva và lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi. Ban ngày, hai công trình này có thể nhìn thấy ở khoảng cách 10-15 km.


Đọc tiếp: Du lịch Vân Đồn

Vào các dịp lễ lớn của đất nước, các nghệ nhân người Chăm đến đây tổ chức múa hát, phục vụ du khách. Tiếng trống Ba-ra-nưng, tiếng kèn Sa-ra-nai của những K’lu (con trai) rộn ràng bên những điệu múa uyển chuyển của những Kamei Tàrà (con gái). Vào khoảng tháng 10 dương lịch, người Chăm từ khắp plêy (làng) trong tỉnh về đây dự lễ Ka-tê để cúng bái thần linh, tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa. Công chúa Pô Sah Inư được xem như một vị thần linh của xứ sở Pajai như Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Lễ hội Ka-tê diễn ra theo truyền thống, có thầy cúng với nhiều lễ tắm tượng Linga-Yoni và rước kiệu thỉnh sắc, dâng y phục cho công chúa Pô Sah Inư...

Đăng nhận xét

 
Top