Nhất vui là hội Phủ Dày/Vui thì vui vậy, chẳng tày Sòng Sơn”, và “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”. Đó là những lời hay, ý đẹp được người đời ca tụng khi nói về đền Sòng Sơn (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong lần đến Thanh Hóa thăm bạn bè, tôi đã có dịp đến thăm chốn linh thiêng bậc nhất xứ Thanh.
Cuối năm mưa phùn, gió bấc, nhưng đền Sòng Sơn (thường được gọi là đền Sòng) vẫn tấp nập du khách thập phương. Mọi người đến đây cùng thành tâm cầu mong một năm mới sắp đến sức khỏe, hạnh phúc, bình an, tài lộc cho gia đình và người thân.
Đền Sòng được xây dựng từ thời Vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh-một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc Việt Nam. Tương truyền xa xưa có một ông lão cầm chiếc gậy tre khô cắm xuống đất làng mà khấn, nếu gậy tre này tươi tốt thì sẽ xây đền thờ Liễu Hạnh công chúa tại đó. Không lâu sau, gậy tre bén rễ, đâm chồi tốt tươi lạ thường. Người dân địa phương cho là điều lạ linh ứng, linh thiêng mới bảo nhau lập nên đền Sòng và lấy ngày 26 tháng hai âm lịch hằng năm là ngày lễ chính diễn ra lễ hội. Theo các bậc cao niên tại phường Bắc Sơn, trước đây cửa đền Sòng có đặt một tấm biển bằng tiếng Hán cổ với hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa). Ngày xưa, quan quân từ kinh thành không kể chức sắc lớn nhỏ, khi hành quân qua đây đều phải xuống ngựa vào đền làm lễ. Theo tục lệ, ngày nay nhiều người dân, đặc biệt là lái xe đường dài mỗi khi đi qua đều xuống xe vào lễ Thánh Mẫu, cầu cho chuyến đi được bình an, làm ăn phát đạt.
Trong đền Sòng có một hồ nước quanh năm trong xanh, người dân gọi là hồ Cá Thần. Hồ có mạch nước ngầm chảy từ dốc Xây men theo chân núi qua hang động về đền. Từ hồ Cá Thần có hai khe nước chảy lượn vòng quanh, khiến ngôi đền như ngự trên một hòn đảo nhỏ. Suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía đông hợp cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhân dân dựng nên ngôi đền cạnh chín cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng (hay còn được gọi là đền Cô Chín).
Đền Sòng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Thanh Hóa mà thu hút đông đảo du khách tour lễ hội 2018 thập phương. Ngoài ra, đền còn là địa chỉ du lịch tâm linh cho du khách vào mùa lễ hội. Năm nào cũng vậy, mùa lễ hội kéo dài cả tuần lễ ở đền Sòng người xe chật như nêm. Không chỉ đến đây cầu một năm mới an lành, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội với những trò chơi, như: Đấu vật, múa rồng, đánh cờ, đánh đu, leo dây, múa sư tử, hát chầu văn… Đã có nhiều giai thoại, câu chuyện gắn với sự linh thiêng của đền Sòng. Người Việt Nam ta xưa nay có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thay vì đồn đoán về sự linh thiêng của đền Sòng, mọi người nên kính cẩn, nghiêng mình mỗi khi tới đây để thể hiện sự tôn trọng, tưởng nhớ đến người xưa.
Đăng nhận xét