GuidePedia

0
Huế vốn nổi tiếng với đền đài, lăng tẩm và chùa chiền mang nét u hoài, cổ kính gắn với triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Đặc biệt, lăng tẩm vua Khải Định, Minh Mạng hay Tự Đức mang những nét kiến trúc riêng có, đồ sộ và hoành tráng thu hút du khách.

Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.


Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát.

Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn.

Nếu như lăng Tự Đức được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng du khách du lịch hè 2018 thì lăng Minh Mạng vẫn giữ nguyên cho mình nét đẹp rất truyền thống, rất cổ xưa và đậm đà màu sắc của Nho giáo. Vua Minh Mạng là người có nhiều đóng góp đối với công việc mở mang đất nước, đưa nước Đại Nam lên hàng mạnh nhất trong các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ. 


Trong những năm tại vị, vua Minh Mạng muốn xây dựng cho mình một Sơn lăng để có thể nghỉ ngơi sau những giờ triều căng thẳng hay còn là nơi hương hỏa khi mình băng hà. Quá trình lựa chọn vị trí để xây dựng lăng tẩm hao tổn không ít thời gian. Trải qua 14 năm tìm kiếm, núi Cẩm Khê được lựa chọn làm vị trí đắc địa để tiến hành xây dựng công trình này. Vua Minh Mạng đã đổi tên núi thành Hiếu Sơn và đặt tên cho lăng của mình là Hiếu Lăng.Vì là một công trình kiến trúc lớn trong cuộc đời mình, nên vua Minh Mạng chú trọng từng khâu xây dựng lăng. Những bản thiết kế hay báo cáo về kiến trúc lăng đều được chính tay vua phê duyệt. Vì là một người thâm sâu, uyên bác, theo đạo Nho giáo nên màu sắc kiến trúc của lăng Minh Mạng cũng hoàn toàn phản ánh được con người của vị vua tài ba này.

Lăng được chính thức xây dựng vào tháng 4/1840. Vua Minh Mạng điều các quan thần xuống đào hồ để xây dựng lăng nhưng trong một lần thị sát tiến độ làm việc, vua phát hiện ra công việc không được tiến hành hiệu quả như mình mong muốn nên đã giáng chức các quan trông coi. Thật không may mắn thay, khi chưa tiếp tục xây dựng được La thành, vua Minh Mạng đã lâm bệnh và băng hà.

Cũng trong hệ thống lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định lại đẹp lạ với những màu sắc kết hợp giữa Đông Tây kim cổ. Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân, song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Lăng khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất.

Vua Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise... cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117x48,5 m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông -Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của vua Khải Định.


Đáng chú ý, người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

Đến Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm cổ kính với kiến trúc độc đáo, Đại Nội Huế rộng lớn, đàn Nam Giao…  không nên bỏ qua chùa Thiên Mụ với kiến trúc độc đáo, khuôn viên đẹp, thanh bình. Bên cạnh đó, chùa Huyền Không Sơn Thượng với địa thế núi non bao quanh là nơi phù hợp để du khách tìm một chỗ yên lặng tĩnh tâm. Buổi tối, bạn có thể đi bộ ở chợ đêm gần cầu Tràng Tiền, đi thuyền dạo sông Hương nghe nhã nhạc. Huế còn nổi tiếng với phá Tam Giang lớn nhất trong hệ thống đầm phá của Đông Nam Á. Du khách du lịch Huế có thể đến đây khám phá làng chài Thái Dương Hạ và ngắm hoàng hôn.

Huế có rất nhiều món ăn nổi tiếng, ngon và rẻ nên được xem là thiên đường lý tưởng của những “tâm hồn ăn uống”. Những món ăn nổi tiếng và mang hương vị Huế như bún bò, bún hến, cơm hến, bánh bèo nậm lọc, bánh khoái, bánh canh,… Bạn có thể tìm cho mình một quán ăn sang trọng hay quán vỉa hè để thưởng thức những món này ở các đường Hùng Vương, Lý thường Kiệt, Chu Văn An… Nếu khó khăn trong việc tìm đường, bạn có thể đến chợ Đông Ba để thưởng thức ẩm thực Huế.

Đăng nhận xét

 
Top