Chùa Tây Phương – Hay còn gọi là Sùng Phúc Tự, là ngôi chùa cổ đứng thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa nằm trên ngọn núi Câu Lâu thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội, Việt Nam.
Trong Hán ngữ, Tự - tức là Chùa, Sùng – là nơi Đức Phật luôn cầu việc thiện.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua bao cuộc bể dâu, triều chính, kiến trúc đình, chùa Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều. Để có kiến trúc như ngày nay, Chùa Tây Phương cũng trải qua những bước thăng trầm của thời cuộc. Theo như các nhà lịch sử học, Chùa Tây Phương là ngôi chùa đã có từ rất lâu, vào khoảng thế kỷ thứ VIII, nhưng đến thời Tây Sơn thì ngôi chùa đã được tu bổ lại gần như là hoàn toàn.
Đến với Chùa Tây Phương, đi từ chân núi lên tới cổng chùa chính phải qua 239 bậc đá ong. Chùa gồm ba nếp nhà song song được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, ba ngôi chùa này đã tạo nên một quần thể uy nghi, vững trãi. Mái chùa được lợp hai lớp ngói và có những hoa văn trạm trổ vô cùng tinh tế. Toàn bộ bức tường của chùa Tây Phương được xây dựng bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần, kết hợp hài hòa với màu sắc của gỗ đá trong khuân viên chùa. Ngoài ra, chùa Tây Phương còn nổi tiếng với nhiều pho tượng phật được coi là kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, đặc biệt là của tôn giáo như: bộ Tượng Tam Thế Phật, bộ Tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh, tượng đức Phật Di lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai, tượng Văn thù Bồ Tát, tượng Phổ Hiền Bồ Tát....
Theo một vài sử sách, trong đó nói rằng nguồn gốc của những pho tượng phật ở Chùa Tây Phương chính là hiện thực cuộc sống nghèo nàn, cực khổ mà nhân dân phải chịu đựng ở thế kỉ 18. Đặc biệt hơn cả là 18 vị La Hán to bằng người thật trong các tư thế: ngồi, đứng…Mỗi vị thể hiện một nỗi khổ, tính cách khác nhau, từ nét mặt dáng mũi lông mày đều khác nhau, khá sinh động và ít thấy trong điêu khắc Việt Nam. Đó là hình tượng của những con người đắc đạo mà lòng vẫn trầm ngâm suy nghĩ về nỗi khổ của chúng sinh.
Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa, đã làm những câu thơ rất sống động và gợi cảm về hình tượng những con người đắc đạo mà lòng vẫn trầm ngâm suy tưởng về những khổ đau quần quại của chúng sinh.
...Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen...
...Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...
Vòng quanh ngọn núi, ngoài khuôn viên Tây Phương, những bậc thang bằng đá ong còn đưa bạn đến thăm chùa Thanh Am rồi chùa Quan Âm.
Đường xuống thoai thoải. Hàng tre hai bên đường cao vút. Có khi cuối con đường nhỏ xinh lại bắt gặp những nếp xây toàn bằng đá ong, một đàn gà con líu ríu chạy theo chân mẹ, cảm giác như đang lọt vào một ngôi làng cổ. Có nhà chủ nhà đi vắng, chỉ lấy mỗi cành tre làm “cổng”... Cảnh vật đẹp và quá yên bình. Tự nhiên du khách tour lễ chùa đầu năm thấy lòng nhẹ nhõm, tạm xa cái ồn ào, bon chen của cuộc sống ngoài kia…
Vào ngày 06-3 Âm lịch hàng năm là ngày Hội chính của Chùa, các du khách khắp nơi đổ về đây đi trẩy hội, lễ phật trốn linh thiêng. Vừa nổi tiếng, vừa mang đậm bản sắc dân tộc và ý nghĩa lịch sử nên vào năm 1962, nơi đây đã được Bộ văn hóa công nhận là di tích văn hóa cấp Quốc gia.
Đăng nhận xét