Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), là một ngọn núi nằm vị trí rất trọng yếu, án ngữ toàn bộ ngã ba sông Đáy, sông Vân, quốc lộ 10 và nhiều đường giao thông quan trọng, núi cao trên 100m. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc gạch đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí cho khách tour du lịch Bái Đính Tràng An tham quan.
Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân. Núi Non Nước là một trong số rất ít những ngọn núi ở Việt Nam được mệnh danh là "Núi thơ" - một cuốn sách đá lưu giữ hàng trăm bài thơ vào loại kiệt tác của các tao nhân mặc khách nổi tiếng như: Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà… Núi Non Nước là ngọn núi đẹp, từng được ví là "cửa biển có non tiên" trong thơ Nguyễn Trãi. Đứng trên núi, du khách tour lễ hội 2019 có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh thành phố Ninh Bình.
Trương Hán Siêu là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp của núi Non Nước. Ông đặt tên núi là Dục Thúy Sơn và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá.
Thế kỷ X, núi là đồn gác tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư, thời Hậu Lê là lỵ sở Vân Sàng của trấn Thanh Hoa Ngoại, thời Nguyễn là tỉnh thành Ninh Bình. Dọc đường lên núi vẫn còn lô cốt với vết tích của bom đạn thời chiến tranh. Trên núi có tượng anh hùng Lương Văn Tụy, người thanh niên cộng sản trẻ tuổi đã dũng cảm vượt qua bom đạn cắm ngọn cờ búa liềm trên núi. Nhờ lắng đọng bề dày trầm tích gắn với lịch sử hình thành vùng đất Ninh Bình, núi Thúy -sông Vân trở thành hình ảnh biểu tượng độc đáo đặc trưng của thành phố Ninh Bình.
Dưới chân núi có chùa Non Nước - một ngôi chùa cổ kính đã có hàng trăm năm tuổi, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, dưới đời vua Lý Nhân Tông và đền thờ Trương Hán Siêu – người con của quê hương Ninh Bình, là người văn võ song toàn làm quan từ triều vua Trần Anh Tông đến triều vua Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng "Thầy". Ông đã cùng tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Luật “Hình thư” rồi sách "Hoàng triều đại điển", đặt nền tảng cho chế độ Phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật”, khi mất ông cũng được thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của núi Non Nước, di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Danh thắng cấp Quốc gia năm 1962.
Đăng nhận xét