Đền Hạ (Tụ Nghĩa) thôn Sơn Đình, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một địa điểm linh thiêng, thu hút nhiều du khách tour du xuân 2019 thăm viếng mỗi khi về danh thắng Tây Thiên lễ phật cầu may.
Đền Hạ có diện tích gần 5.000m2 cách cổng chính vào Khu danh thắng Tây Thiên về bên trái khoảng 200m. Đền được tu bổ, tôn tạo lại vào những năm 1990 và năm 2010. Đây là ngôi đền thuộc quần thể Di tích Tây Thiên, thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu (hoàng hậu của Hùng Chiêu Vương - Lang Liêu, vị vua thứ 7). Ngôi Đền còn có tên gọi là đền Tụ Nghĩa, bởi tương truyền nơi đây cũng là địa điểm Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, chiêu mộ nghĩa binh và luyện quân đánh giặc giữ gìn giang sơn bờ cõi.
“Theo các cụ xưa truyền lại, Mẫu sinh ra ở làng Đông Lộ, Đại Đình, Tam Đảo, vị trí đền thờ ngày nay là nơi mẫu hiển thánh, tập hợp tráng binh luyện quân đánh giặc cứu nước, sau khi đánh trận thắng Mẫu về ngự tại đền. Khi mẫu về trời, để tướng nhớ công ơn, người nhân dân trong vùng đã lập đền thờ. Hiện tại ở Đền Tụ Nghĩa vẫn còn tấm bia đá cổ lập từ năm Chính Hòa thứ 22 (tức năm 1701, thời vua Lê Hy Tông)” – Thủ từ Khổng Văn Đình chia sẻ.
Đền có 5 ngày lễ vào các ngày âm lịch trong năm đó là ngày mùng 4 tháng Giêng khai xuân; ngày 14-2 rước kiệu; ngày rằm tháng 5; ngày rằm tháng 10 và ngày 23 tháng Chạp là lễ tất niên. Trong đó, có hai ngày lễ chính, nhằm vào ngày 14-2 (ngày Mẫu xuất quân) và 15-10 (ngày Mẫu thu quân) có rước kiệu, tế lễ đây là hoạt động thường niên được người dân duy trì từ xa xưa.
Bia đá cổ tại đền Tụ Nghĩa lập từ năm Chính Hòa thứ 22 (tức năm 1701, thời vua Lê Hy Tông)
Những người cao tuổi tại địa phương còn cho biết, xưa kia, thực dân Pháp cho rằng đền Tụ Nghĩa là nơi các chiến sĩ Việt Minh ẩn trú, nên đã mang bom, pháo bắn phá. Sau đó thực dân Pháp mang dầu đến đốt để Việt Minh khỏi trú, các ấn tín, gia phả, sắc phong... phần nhiều đều vì thế mà bị hủy hoại. Nhưng người dân trong vùng đã rước tượng Mẫu cùng một quả chuông cất giấu nơi khác. Đến năm 1990 mới rước tượng Mẫu về lại đền (lúc đó chỉ là là một ngôi miếu nhỏ). Còn quả chuông thời điểm đó không dám rước về vì miếu đơn sơ sợ mất, mãi đến khi ngôi đền đã được nhà nước tôn tạo khang trang, đưa vào quản lý mới chuyển chuông về.
Một điều độc đáo, là phía sau đền còn có cây Lim xanh cổ thụ, niên đại hàng nghìn năm tuổi. Thân cây Lim này có cây si cổ thụ bám vào, thời điểm cơ quan chức năng tiến hành kiểm định cây di sản, yêu cầu phải gỡ cây si đi, nhưng không thực hiện được vì không có ai to gan mà dám gỡ.
Đăng nhận xét