GuidePedia

0
Trong loạt phim Xác ướp Ai Cập, Imhotep là nhân vật được xây dựng như một kẻ có quyền lực, sức mạnh nhưng vô cùng độc ác. Vậy, trong lịch sử, đó là ai?


Hai phần đầu của bộ phim Xác ướp Ai Cập lần lượt ra mắt vào năm 1999 và 2001 đã tạo được nhiều tiếng vang lớn. Trong đó, nhân vật phản diện Imhotep là yếu tố không thể thiếu để dẫn đến thành công đó.

Sau bộ phim người ta nhớ tới Imhotep như một gã tư tế độc ác có pháp lực vô biên sở hữu một đội quân bất tử. Tuy nhiên, khác xa với hình tượng được xây dựng trên phim, một người có tên Imhotep thực sự từng sống dưới trướng vị vua thứ hai của triều đại thứ ba - vua Djoser, lại hoàn toàn trái ngược.


Hình tượng trong phim Xác ướp Ai Cập của Imhotep.

Imhotep - nhân vật có thật của Ai Cập (2667-2600 TCN) được biết đến là một polymath Ai Cập (polyath là một chuyên gia về nhiều lĩnh vực), ông là tể tướng, thầy tu, kiến trúc sư, nhà chiêm tinh, hiền triết và là cả một nhà nghiên cứu y khoa,...

Ông cũng là người Ai Cập duy nhất ngoài Amenhotep được thần thánh hóa hoàn toàn, trở thành vị thần của trí tuệ và y học vì những đóng góp của mình trong suốt khoảng thời gian phục vụ nhiều đời Pharaoh.

Kim tự tháp Step - niềm kiêu hãnh cả đời của Imhotep

Dưới triều đại của vua Djoker (khoảng năm 2670 trước Công nguyên), bằng tài năng thiên bẩm của mình, Imhotep từ một người bình thường đã dần dần bước tới những vị trí quan trong nhất của đất nước, ông leo lên đỉnh cao danh vọng khi trở thành tể tướng và cũng kiến ​​trúc sư trưởng của Ai Cập.

Về sau này, người ta biết tới Đại Kim tự tháp Giza như công trình kiến trúc vĩ đại bậc nhất nhân loại bởi sự độc đáo đầy bí ẩn trong cách xây dựng nó. Nhưng thực tế, ít ai biết, kim tự tháp Step - nơi an táng vua Djoser mới là kim tự tháp đầu tiên và nó cũng là công trình đặt nền móng quan trọng trong việc thiết kế các kim tự tháp sau này. Và người được trao trọng trách thiết kế không ai khác chính là tể tướng Imhotep.

Trước thời đại lúc bấy giờ, những kiến trúc an táng thường được xây theo hình chữ nhật với phần mái phẳng và dốc ở các mặt từ gạch bùn hoặc đá (thường được gọi là mastabas). Nhưng khi Imhotep bắt tay vào công việc, ông đã quyết định thay đổi hoàn toàn để đưa ra những cải tiến đặc trưng.


Đầu tiên, kim tự tháp Step sẽ được xây dựng theo hình vuông và tiếp đến, đó sẽ là công trình cao nhất trong quần thể nghĩa trang Saqqara. Quan trọng hơn cả, Imhotep đưa ra thiết kế mới với việc sẽ xếp chồng 6 mastabas lên nhau với kích thước giảm dần từ đáy lên tới đỉnh.

Tất nhiên để làm được điều này là một thách thức không nhỏ đối với mọi kiến trúc sư chứ không riêng gì Imhotep. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để cân đối được trọng lượng khổng lồ đến từ 6 mastabas trên mà vẫn giữ được kết cấu thống nhất của kim tự tháp, để nó không bị sụp đổ sau thời gian dài.

Và kết quả rõ nhất cho sự thành công của Imhotep chính là sự tồn tại cho tới tận ngày nay của kim tự tháp Step. Dù trải qua nhiều tổn hại đến từ cả thời gian lẫn con người nhưng Step vẫn sừng sững đứng đó sau hơn 4.600 năm.


Quần thể kim tự tháp Step.

Khi hoàn thành, Kim tự tháp Step cao 204 feet (tương đương 62 mét) và là cấu trúc cao nhất thời bấy giờ. Khu phức hợp xung quanh bao gồm một ngôi đền, sân trong, đền thờ và khu sinh hoạt cho các linh mục có diện tích lên tới 16 hecta và được bao quanh bởi một bức tường cao 30 feet (10,5 mét).


Bức tường có 13 cánh cửa giả nhưng chỉ có một lối vào duy nhất ở góc đông nam; toàn bộ bức tường sau đó được bao quanh bởi một rãnh dài 2.460 feet (750 mét) và rộng 131 feet (40 mét). Nhà sử học Margaret Bunson viết:

"Imhotep đã xây dựng khu phức hợp như một ngôi đền chôn cất cho Djoser, nhưng nó đã trở thành một sân khấu cho tài năng của ông và là mô hình kiến ​​trúc cho lý tưởng tâm linh của người dân Ai Cập. Kim tự tháp Step không chỉ là một ngôi mộ hình chóp đơn lẻ mà là một loạt các đền thờ, nhà nguyện, gian hàng, hành lang, nhà kho, và hội trường.

Tuy nhiên, ông ấy đã làm cho các bức tường của khu phức hợp phù hợp với cung điện của nhà vua, theo các phong cách kiến ​​trúc cổ xưa, do đó giữ được mối liên hệ với quá khứ".


Tên của Imhotep được viết bằng chữ tượng hình trên đế tượng trong khu di tích của kim tự tháp Step

Không ngẫu nhiên mà người đời sau biết đến sự vĩ đại của Imhotep. Vua Djoser ấn tượng với sự sáng tạo của Imhotep đến nỗi ông đã bỏ qua tiền lệ cổ xưa rằng chỉ có tên của nhà vua xuất hiện trên các di tích và cho phép khắc tên Imhotep lên đế tượng. Đây được xem là niềm vinh dự có một không hai đối với bất cứ người Ai Cập nào.

Nhưng không dừng lại ở đó, sau khi Djoser chết và được đưa vào chôn cất trong kim tự tháp Step, Imhotep được cho là đã tiếp tục phục vụ những pharaoh kế vị, lần lượt là Sekhemkhet (khoảng 2650 TCN), Khaba (khoảng 2640 TCN) và Huni (2630 -2613 TCN).

Tuy nhiên một số học giả không đồng ý về việc này do những bất đồng về thời gian nhưng vẫn có bằng chứng cho thấy ông sống một cuộc đời dài và rất được trọng vọng của mình.

Thực tế, với tài năng của mình, Imhotep tiếp tục là người phụ trách các công trình lăng mộ tiếp theo của Sekhemkhet và Khaba, tuy nhiên cả hai lần đều phải bỏ dở giữa chừng do các Pharaoh đó bất ngờ qua đời.

Vị bác sĩ đầu tiên của thế giới?

Như đã đề cập ở phần đầu, Imhotep không chỉ là tể tướng, kiến trúc sư, nhà triết học... mà còn là một nhà nghiên cứu y học. Thực tế liệu có thể coi ông chính là 1 vị bác sĩ hay không?

Theo trang Ancient.eu, Imhotep đã hành nghề y và viết về đề tài này hơn 2.200 năm trước khi Hippocrates, cha đẻ của Y học hiện đại ra đời. Imhotep thường được coi là tác giả của "Edwin Smith Paccorus", một văn bản y tế của Ai Cập, chứa gần 100 thuật ngữ giải phẫu và mô tả 48 vết thương và cách điều trị của chúng.


Văn bản "Edwin Smith Paccorus". Ảnh: Ancient.eu

Không chỉ dừng lại ở những vết thương do chiến trận, đã có ghi chép về việc Imhotep từng nghiên cứu rất nhiều về những căn bệnh nghiêm trọng như lao phổi, sỏi mật, ruột thừa... và những đóng góp của ông là không thể phủ nhận.


Chính bởi vậy, sau khi con người kiệt xuất này qua đời, Imhotep được thần thành hóa hoàn toàn, được nhắc đến như một vị thần y của Ai Cập. Thậm chí, khoảng 2.000 năm sau khi chết, Imhotep đã thay thế cả Nefertum trong bộ ba thần được thờ cúng ở Memphis, Ai Cập.

Tham khảo: Ancient, Britannica...

Đăng nhận xét

 
Top