GuidePedia

0
Sợ mình chết không ai biết, gặp người lạ hay quen nào, bà cũng nhờ lưu số điện thoại, thi thoảng “gọi điện hỏi thăm kiểm tra giùm”.

Trong căn nhà cấp bốn bé tẹo nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn núi rừng Hòa Bắc, người đẹp một thời nay thân thể tiều tụy cứ ra vào như chiếc bóng. Sợ mình chết không ai biết, gặp người lạ hay quen nào, bà cũng nhờ lưu số điện thoại, thi thoảng “gọi điện hỏi thăm kiểm tra giùm”. Xóm Bàn Bàng còn gọi “làng hoàn lương”, hay “thung lũng hoàn lương”, nhưng vẫn chỉ là ước mơ của hàng chục hộ dân gửi vào cái tên làng, khi 26/29 người phụ nữ lập làng nay đều đã chết trẻ, chết trong bệnh tật.

Sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng thiếu bản lĩnh, quan niệm sai lầm, cộng với số phận đưa đẩy, cuộc đời bà Hà Thị Thu Thủy (SN 1955, quê Bình Phước, ngụ thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) rẽ ngoặt sang hướng tối tăm. Cha mẹ mất đột ngột, anh em li tán, 15 tuổi bị ép gả cho người đàn ông lớn tuổi, thiếu phụ tằng tịu với em chồng rồi đến chuỗi ngày lưu lạc khắp nơi hành nghề mại dâm. Bị bắt đi cải tạo một thời gian dài mới ra trại, bà quyết hoàn lương, lấy chồng và đưa nhau về xóm Bàn Bàng (thôn Lộc Mỹ) trú ngụ. Một lần nữa số phận trêu ngươi, đến cuối đời bà vẫn sống đơn chiếc cùng bệnh tật, không con cái người thân.

Quá khứ lầm lỗi

Bà Thủy nằm trong số 3/29 chị em phụ nữ đầu tiên ra khỏi Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 - 06 TP.Đà Nẵng (đóng tại xã Hòa Bắc), nhưng xin ở lại thôn Lộc Mỹ khai hoang lập nghiệp. 26 người đến nay đa phần đã chết vì bệnh tật hay nhiễm HIV từ chồng lây sang, ba người còn lại gồm bà Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957), bà Lê Thị Phúc (SN 1950) và bà Hà Thị Thu Thủy. Nói đến bộ ba này, ai cũng biết vì thuộc lớp người “khai sinh” xóm Bàn Bàng, có tiếng xinh đẹp, từng một thời “khuynh đảo” trong thế giới gái bán dâm miền Trung giai đoạn 1970.

Hàng chục năm qua, cũng giống như bà Nguyệt, bà Phúc, vì mặc cảm quá khứ lầm lỗi nên khi hòa nhập cộng đồng, bà Thủy chấp nhận sống cuộc đời lặng lẽ, không tìm lại người thân, không thể sinh con cái và bị bệnh tật đeo bám.

Trong căn nhà cấp bốn bé tẹo nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn núi rừng Hòa Bắc, người đẹp một thời nay thân thể tiều tụy cứ ra vào như chiếc bóng. Sợ mình chết không ai biết, gặp người lạ hay quen nào, bà cũng nhờ lưu số điện thoại, thi thoảng “gọi điện hỏi thăm kiểm tra giùm”. Xóm Bàn Bàng còn gọi “làng hoàn lương”, hay “thung lũng hoàn lương”. Nhưng vẫn chỉ là ước mơ của hàng chục hộ dân gửi vào cái tên làng, còn cuộc sống của những con người một thời lầm lỗi na phục thiện, vẫn khó khăn vô cùng.


Ảnh minh họa

Bà Thủy kể sinh ra trong một gia đình giàu có ở xã Lộc Ninh (huyện Lộc Hưng, tỉnh Sông Bé (cũ), nay là tỉnh Bình Phước) với ba anh em đều xinh xắn, học giỏi. Tuy nhiên, đến năm bà 10 tuổi, biến cố lớn xảy ra với người thân đã đẩy cuộc đời bà vào chốn ô nhục. Anh trai bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời; cha mẹ vì đau buồn, kết hợp bệnh tật cũng bỏ rơi hai người con còn lại. Do quá nhỏ, bà và anh trai được người thân đưa về nuôi rồi cướp sạch tài sản. Năm 15 tuổi, bà Thủy còn bị ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi; anh trai thì được người khác mang lên Sài Gòn làm gì không biết và biệt tích luôn với em gái.

Về cuộc hôn nhân của bà Thủy, trong quá trình sinh sống, người chồng thường hay đánh đập và bạo hành tinh thần khiến bà nhiều đêm phải ôm chăn ra sau bếp ngủ. Trong đại gia đình ở với nhau, người em chồng nhiều lần chứng kiến chị dâu đau khổ nên tỏ ra ân cần, thường quan tâm chăm sóc. Đều đang ở độ tuổi mới lớn dễ rung động, từ những cử chỉ trên, cả hai nhanh chóng nảy sinh tình cảm nam nữ. Được một thời gian ngắn, chuyện chị dâu, em chồng tằng tịu bị phát giác, bà Thủy bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Người em chồng thương xót muốn thay thế nhưng đứng trước rào cản giađình cũng không làm được gì. Bản thân bà Thủy cũng không chịu được dị nghị nên bỏ quê lên Sài Gòn rồi trở thành gái giang hồ, lang bạt khắp nơi.

Năm 1977, bà chọn ra Đà Nẵng, tới khu vực bến xe liên tỉnh trú ngụ. Mới chân ướt chân ráo, bà Thủy gặp bà Phúc (lúc đó làm chủ chứa kiêm bán dâm) và được dẫn dắt vào ổ mại dâm, hành nghề khắp các chốn ăn chơi miền Trung. Sắc đẹp giúp bà Thủy nổi tiếng, tiền bạc thu về rủng rỉnh nhưng bà lại mang “nướng” hết vào những cuộc ăn chơi thâu đêm hay cờ bạc rượu chè... “Cũng dễ hiểu thôi, cái nghề này có tiền nhưng bạc bẽo. Gái mới lớn, hơn nữa lại đang chán nản nên làm được bao nhiêu cứ mặc nhiên xài bấy nhiêu”, bà Thủy nhớ lại. Sau hai năm ăn chơi trác táng và buông thả, bà Thủy bị bắt đưa về giáo dục tại Trung tâm 05 - 06.

Được một thời gian, bà ra trại và tiếp tục tìm đến nghề cũ. Năm 1983, bà bị bắt lần hai. Lần này, do quen dần với công việc lao động nặng nhọc, được các cán bộ và bạn bè trong trại động viên, bà Thủy bắt đầu nghĩ đến chuyện hoàn lương, phục thiện.

Không chạy thoát bất hạnh

Theo bà Thủy, lúc bấy giờ trong trại có cả nam lẫn nữ với đủ thành phần trộm cắp, ma túy, cờ bạc, mại dâm… Thường xuyên gặp gỡ trong lao động, sinh hoạt nên có nhiều cặp yêu nhau. Năm 1985, TP.Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) quyết định lấy khu đất cạnh Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 - 06 giao những người một thời lầm lỗi đã hoàn lương làm nơi trú ngụ. Ngôi làng vừa ra đời, nhiều cặp đôi được các cán bộ Trung tâm tác thành tổ chức đám cưới. Bà Thủy cũng nằm trong số 29 chị em lấy người trong trại, quyết tâm bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỡ để dắt díu về Bàn Bàng lập nghiệp.

Bà Thủy cho biết, chồng mình tên Mai Văn Năm, quê gốc ở Đà Nẵng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, ông đi lính cho chế độ cũ, dù bị cụt hai chân nhưng trong chiến tranh vẫn gây rất nhiều tội ác. Gặp nhau tại một xưởng cưa của trại vào năm 1984, cả hai như có mối duyên trời định. Khi nghe bà bày tỏ ý định, ai cũng tỏ ý lo lắng vì nghĩ bà trẻ đẹp, trong khi ông Năm cụt chân, không lao động được, nếu quá cực khổ bà sẽ bỏ ông Năm quay về nghề cũ. Bất chấp lời can ngăn, cả hai vẫn đến với nhau.

Trong suốt 10 năm ở làng hoàn lương, phải làm lụng vất vả để nuôi chồng, lại là khoảng thời gia hạnh phúc nhất với bà Thủy. Duy chỉ có điều đau lòng, bà Thủy mất khả năng sinh con từ quá khứ làm gái bán dâm. Đến năm 2001, ông Năm bỏ bà ra đi vì bệnh tật. Chồng mất, xóm làng lại khuyên xuống phố bán buôn cho đỡ khổ nhưng bà Thủy không nghe.

“Xuống phố liệu tôi có thể tránh được cám dỗ của đồng tiền, của đời sống xa hoa?”, bà tự chất vấn mình rồi vui vẻ chấp nhận cuộc sống đơn thân bên bàn thờ chồng. Những năm trước, khi mới về làng hoàn lương lập nghiệp, vì không có đất canh tác, bà Thủy cũng như nhiều người khác hằng đi rừng kiếm củi bán lấy tiền để đổi gạo, mua thức ăn. Mùa giông bão, bà đi giữ bò, cắt cỏ thuê. Làm lụng vất vả, không chăm sóc tốt bản thân, từ khi chồng mất, sức khỏe bà Thủy yếu dần. Những năm gần đây, bà bị tràn dịch phổi, suy tim. Đi bệnh viện, bác sĩ khuyên phải nghỉ ngơi, nhưng với bà Thủy ngồi nhà đồng nghĩa chịu đói, không tiền mua thuốc, nên cứ phải đi làm. Hơn nữa, bà Thủy đơn thân, sợ lúc chết không ai lo nên còn muốn dành dụm ít tiền sắm cho mình… một cái áo quan tươm tất.

Thêm vận đen khi mới đây da bà Thủy bỗng bị đồi mồi, từng mảng da biến sắc, chỗ trắng chỗ hồng khiến nhiều người e ngại tiếp xúc. Bà bộc bạch, dù mới 60 tuổi nhưng nhiều người biết bà bệnh tật nan y, sống chết không biết lúc nào nên chẳng ai dám thuê hay muốn “dây”vào. HiệnbàThủ chỉ sống dựa duy nhất vào nguồn trợ cấp 210 ngàn đồng/tháng tiền người già neo đơn và chờ đợi… cái chết.

Chia tay, ngoái lại căn nhà bé tẹo teo, bà lão tiều tụy da mảng trắng mảng đen loang lổ, lại thấy chạnh lòng cho một kiếp “hồng nhan bạc phận”. Bi kịch cuộc đời của người đẹp một thời nổi tiếng miền Trung, vì sa đọa ăn chơi mà nay cuối đời bệnh tật cô đơn chỉ có ước mơ có một cỗ quan tài, hi vọng là bài học cho những người trẻ đừng đi theo con đường lầm lỗi như thế.

Nguồn: Báo pháp luật -  tintuc.vn

Đăng nhận xét

 
Top