Trung Quốc vốn được biết đến với danh hiệu không mấy tốt đẹp là "thiên đường hàng giả". Tại đây, có những phi vụ làm giả "bá đạo" đến mức "không thể tin được".
Tự xây đồn, giả làm cảnh sát trấn lột người dân
Một thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc đã đóng giả làm cảnh sát để trấn lột người dân suốt 2 năm qua mà không bị phát hiện.
"Thanh tra rởm" họ Lôi sở hữu cả một kho súng gây tê các loại nhằm trấn áp những tên tội phạm nguy hiểm, cùng vài bộ đồng phục "chuẩn không cần chỉnh".
Mãi đến khi Lôi dọa tung clip sex của bạn gái, các "cảnh sát xịn" mới tiến hành điều tra và phát giác hành vi của Lôi. Khi lục soát nhà riêng của vị thanh tra rởm tại thành phố Vũ Hán vào tuần trước, cơ quan chức năng đã phát hiện cả một đồn cảnh sát giả được thiết kế công phu, tỉ mỉ.
Theo các bức ảnh công bố trên báo chí địa phương, đồn cảnh sát này có dựng một bức tượng bán thân của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, ngoài ra còn có một lá quốc kỳ được treo trong phòng thẩm vấn giả.
Tại đây, Lôi cũng cất giấu hàng loạt tài liệu giả mạo, lắp đặt một thiết bị theo dõi GPS và một camera giám sát thu nhỏ.
Một cảnh sát điều tra cho biết: “Với màn ngụy trang của mình, Lôi đã lừa được rất nhiều người”.
Xây ngân hàng giả, lừa đảo 30 triệu USD
Dưới cái tên Đơn vị hợp tác kinh tế làng Mou Nam Kinh, “ngân hàng” giả này đã thu hút không ít người gửi tiền tại khu vực phía Đông thành phố này trong thời gian một năm, trước khi bị cảnh sát phát hiện.
Ngân hàng giả y như ngân hàng thật.
Để dễ bề lừa gạt người gửi tiền, những kẻ lừa đảo đã cho thiết kế và trang trí tòa nhà này trông giống hệt một ngân hàng thực sự, với các nhân viên giao dịch đứng sau quầy mặc đồng phục, những màn hình LED lớn hiển thị các thông tin tài chính, và thậm chí cả những giấy phép hoạt động giả, trong khi hoạt động thực sự được cấp phép của tổ chức này là đơn vị tư vấn nông nghiệp, không phải định chế tài chính.
Thế nhưng, cho đến khi cảnh sát được báo tin, đã có khoảng 200 người, gồm chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ, đã gửi tiền vào đây với trị giá từ 100.000 nhân dân tệ tới 20 triệu nhân dân tệ, sau khi bị lôi cuốn bởi hứa hẹn về mức lãi suất trên trời.
Hàng loạt đại lý Apple giả
Hồi tháng 7/2014, các nhà chức trách ở Trung Quốc đã phát hiện ra 22 đại lý Apple giả tại Côn Minh. Theo như mô tả, cửa hàng Apple giả cũng được bài trí y như đại lý chính hãng. Các nhân viên ở đó cũng mặc đồng phục y như trong các đại lý thực thụ.
Thậm chí ngay cả các nhân viên làm việc tại những cửa hàng này cứ ngỡ là họ đang được làm việc cho hãng Apple "xịn".
Hiện tại, các cửa hàng đó đã bị yêu cầu ngừng sử dụng logo của Apple theo luật của Trung Quốc về việc cấm sao chép hình ảnh của một công ty khác khi chưa được sự cho phép.
Làm giả trường đại học để lừa tiền sinh viên
“Học viện Thương mại Quốc tế Hắc Long Giang” tự giới thiệu là trường dân lập, ra đời năm 1989 với sự phê chuẩn của Sở Giáo dục tỉnh Hắc Long Giang và đã đào tạo được hàng vạn sinh viên.
Thông qua hình thức tuyển sinh qua mạng, “Học viện Thương mại Quốc tế Hắc Long Giang” tuyên bố sinh viên không cần phải lên lớp cũng có thể nhận được bằng tốt nghiệp từ chuyên tu tới chính quy và chứng nhận học vị.
Nhưng qua điều tra, người ta phát hiện những hình ảnh giới thiệu về tòa nhà giảng đường, thư viện… của “Học viện Thương mại Quốc tế Hắc Long Giang”đều giống hệt một Học viện khác.
Điều đáng nói, là trên trang web của Bộ Giáo dục Trung Quốc, người ta cũng không thấy tên “Học viện Thương mại Quốc tế Hắc Long Giang” trong danh sách các học viện nhà trường được cấp phép hoạt động.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Sở Giáo dục tỉnh Hắc Long Giang đã chính thức nhận định “Học viện Thương mại Quốc tế Hắc Long Giang” là ngôi trường “giả hiệu”. Ngôi trường này được lập nên để chiêu mộ học sinh nhằm thu tiền học phí.
Đánh tráo tranh trong bảo tàng bằng tranh... tự vẽ
Ông Xiao Yuan, một nhân viên trông coi phòng tranh ở Viện nghệ thuật Quảng Châu (Trung Quốc) đã đánh cắp 143 bức tranh nổi tiếng, thay bằng chính... tranh của mình.
Con hổ - một bức tranh nổi tiếng của Tề Bạch Thạch. Bức tranh này bị rất nhiều người làm giả.
Sau đó, Xiao đã đem bán 125 bức tranh, thu về hơn 34 triệu nhân dân tệ (khoảng 6 triệu USD) đem đầu tư bất động sản và mua các bức tranh khác. Hãng truyền thông BBC dẫn lời công tố viên đang tham gia tiến trình xét xử ông Xiao cho biết 18 bức tranh còn lại trị giá chừng 70 triệu nhân dân tệ.
Trước tòa, ông Xiao, 57 tuổi, hôm 21/7 đã nhận tội, tuy nhiên "nói thêm cho rõ"rằng ngay trong ngày đầu tiên ở phòng tranh kể trên, ông ta đã phát hiện ở đây đã có sẵn tranh giả. Ngoài ra, ông cũng khai rằng chính các bức tranh giả sau đó của mình cũng bị đánh tráo, thay bằng những tranh giả khác!
Nguồn: Chuyen la - tintuc.vn
Đăng nhận xét