Tin nhanh - Hai hot girl hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), kéo theo đó là sự hiếu kỳ của đám đông hàng trăm người, đa số là các bạn trẻ.
Hàng trăm cảnh sát hình sự, cảnh sát 113 đã tham gia giải tán đám đông trong vụ hẹn "giải quyết" qua mạng Facebook giữa hai cô gái - Ảnh: PV
Chuyện gì đang xảy ra với một bộ phận giới trẻ vậy? - nhiều người thảng thốt đặt câu hỏi.
Trên Facebook của hai "nhân vật chính", lượng người theo dõi tăng vọt sau "sự kiện" hẹn nhau ở phố đi bộ để nói chuyện phải trái.
Đáng ngạc nhiên là những dòng trạng thái hay những video clip xúc phạm đối phương và phô trương ý định "ba mặt một lời" lại nhận được hàng ngàn lượt like và những bình luận ủng hộ nhiệt tình.
Thậm chí nhiều người theo dõi hai hot girl này còn chia phe và lập ra fanepage ủng hộ H.V. hay ủng hộ V.H.T.V..
Sao đám đông lại đi coi... đánh lộn?
"Các bạn đã làm được một chuyện không phải ai cũng làm được là huy động hàng trăm người đến phố đi bộ để xem một chuyện cỏn con, nhưng buồn thay chuyện các bạn làm hoàn toàn vô nghĩa", anh Tuấn Anh (Q.7, TP.HCM) chia sẻ với TTO sau khi tìm hiểu câu chuyện mâu thuẫn của hai hot girl và đám đông cổ vũ cho họ.
Nói về đám đông ùn ùn kéo đến xem hai hot girl nói chuyện, anh Tuấn Anh cho rằng sự hiếu kỳ của các bạn trẻ đã bị đẩy lên quá cao và các bạn cũng chẳng suy xét thấu đáo là nếu tụ tập đông như vậy thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gì.
Bạn Mỹ Hiền, sinh viên Trường đại học Tài chính - marketing cũng đồng quan điểm rằng những việc thường xuyên tụ tập thành đám đông của người trẻ chủ yếu do tò mò, hiếu kỳ.
"Sự việc hai cô gái ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, họ không chỉ quan sát, cổ vũ mà thậm chí còn hùa nhau đi tìm một cô gái chưa thấy xuất hiện. Đó quả thật là hình ảnh không đẹp. Giới trẻ ngày nay cho rằng họ thiếu những nơi thể hiện mình nên họ chỉ tập trung thể hiện những kiểu sai lệch như vậy", Hiền nói.
Có cùng suy nghĩ này, bạn có nickname Min Trần viết trên Facebook: "Thời gian là của mỗi người, không dám nói các bạn rảnh rỗi nhưng mình thấy các bạn đang lãng phí thời gian vào một chuyện chẳng đáng. Cứ theo đám đông mà tụ tập, cứ thấy chuyện gì cũng hùa theo thì sẽ loạn mất thôi".
"Các bạn tụ tập nhau đến đó mà chưa hiểu rõ câu chuyện, chưa suy nghĩ kỹ những ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến cách nhìn của người nước ngoài. Tuổi trẻ tò mò, ngay cả mình cũng tò mò, nhưng phải xem xét có nên hay không nên hùa theo", Kim Linh (Vũng Tàu) nhận xét.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ (TS) Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, đưa ra nhận xét rất thẳng thắn rằng khi một bạn trẻ nào đó đã đóng góp bản thân mình vào đám đông náo loạn coi hai cô gái hẹn nhau đánh lộn, thì rõ là bạn ấy đã đóng góp sự ngu ngốc của mình cho đám đông ngu ngốc.
"Tôi xin lỗi vì buộc phải dùng từ ngữ nặng nề như thế, vì thật ra không thể dùng bất cứ từ nào khác thích hợp hơn. Thú thật tôi như bị ám ảnh bởi nỗi đau khi xem clip quay cảnh các bạn trẻ lao vào đám đông làm náo loạn đường phố chỉ vì một thú vui duy nhất: coi đánh lộn. Những câu hỏi bật ra trong đầu như những vết dao cắt thẳng vào nỗi lo lắng về lối sống của giới trẻ hiện nay", ông Thông trăn trở.
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng hai nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc này là tâm lý thích thể hiện bản thân trước đám đông và sự thiếu nền tảng của văn hóa, tình nhân ái và sự tôn trọng trong mỗi người.
Không có đám đông, không có… anh hùng?
Nhận định về cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ ngày nay qua câu chuyện này, thạc sĩ (ThS) Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, cho rằng giới trẻ ngày nay có bộ công cụ hết sức hữu ích là mạng xã hội để thể hiện cái tôi, thể hiện nhu cầu tự khẳng định bản thân, thích người khác chú ý đến mình.
"Tụ tập đông vì người trẻ thích những hành động, sự kiện gây sốc để thỏa mãn sự tò mò, rồi lại rủ rê bạn bè xung quanh ùa theo chứng kiến", ông An nhận định.
"Cư dân mạng và chính những lượt thích, bình luận là chất xúc tác vô cùng lớn gây ra sự kiện này. Ý thức, cảm xúc của bản thân một con người đã bị ảnh hưởng bởi cảm xúc đám đông, họ sẽ hùa theo đám đông dẫn đến tâm lý thất thường, đi từ trạng thái nhiệt tình,cuồng loạn nhất đến ngây dại nhất" - ThS Đào Lê Hòa An đưa ra cảnh báo.
Chia sẻ quan điểm này, giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, cho rằng tính hiếu kỳ, xúm lại "đổ dầu vào lửa" để thỏa mãn sự tò mò là tính xấu của người Việt Nam nói chung.
"Sự việc không liên quan, họ vẫn tham gia hò hét, việc này chứng tỏ trình độ phát triển con người, ý thức cá nhân kém. Khi người ta có ý thức hơn về cá nhân thì chuyện hùa theo sẽ giảm đi. Đây là cuộc đấu tranh giữa nhân cách cá nhân và tâm lý bầy đàn" - ông Thịnh nhận định.
Một trong hai hot girl xuất hiện tại phố đi bộ và bị mời về làm việc với công an phường - Ảnh chụp từ clip
Một trong hai hot girl đang quay video để chứng tỏ mình đã có mặt ở điểm hẹn nhưng đối phương không đến - Ảnh chụp từ clip
Anh Michael Tatarski, người Mỹ, hiện sống tại TP.HCM, cho biết trong trường hợp gặp những đám đông xem đánh nhau như vậy thì tốt hơn là nên bỏ đi vì tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu chỉ có vài người thì còn có thể thử can ngăn họ.
Michael Tatarski cũng cho rằng việc giới trẻ sử dụng Facebook để gầy dựng danh tiếng "ảo" và bôi nhọ lẫn nhau không phải là chuyện lạ.
"Rất nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ cũng gặp khó khăn khi cố tìm cách kéo con họ ra khỏi tầm ảnh hưởng của mạng xã hội", anh nói.
MINH VŨ
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, người hiếu kỳ và người cổ vũ chính là động lực cho sự tranh đua vô lối, vô văn hóa.
"Ví dụ như nếu không ai cổ vũ cho đua xe, chắc chắn việc đó sẽ chấm dứt. Nếu có người cổ vũ thì bùng lên thành một tệ nạn", GS.TS Ngô Đức Thịnh đưa ra ví dụ.
Còn theo ThS Đào Lê Hòa An thì các bạn trẻ không nên hùa theo tâm lý đám đông, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
"Để thể hiện chính kiến của mình, có rất nhiều cách văn minh, lịch sự và phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi", ông An chia sẻ.
Phạt tiền thôi là chưa đủ
Nhiều bạn đọc chia sẻ quan điểm với những hành vi gây rối trật tự công cộng này, việc phạt tiền thôi là chưa đủ.
Một bạn đọc hài hước nói: "Với mức này mà gây được xìcăngđan thì tôi cũng muốn làm. Quá rẻ mà được nổi tiếng Facebook".
Một bạn đọc khác thì lo ngại với mức phạt 750.000 đồng dành cho hai cô gái như đã nêu, nhiều bạn trẻ sẽ bắt chước.
"Nếu phạt nhẹ vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt. Tôi đề nghị kèm thêm phạt bổ sung là đề nghị đóng tài khoản Facebook vì có hành vi làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội", bạn đọc Dan viết.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định nên có những hình thức phạt bổ sung (ngoài phạt tiền) như cho các bạn trẻ này đi lao động công ích và có thời gian để tự suy ngẫm về hành động của mình.
Đám đông tụ tập theo dõi vụ việc chật kín cả con đường - Ảnh: Ngọc Hiển
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải để các bạn tự nhận ra việc mình làm là đúng hay sai, đáng xấu hổ hay không. "Nếu chỉ phạt một số tiền thì đôi khi những bạn trẻ khác thấy chỉ tốn có ít tiền mà được nổi tiếng, được bao nhiêu người quay clip, chụp hình, bao nhiêu lượt like trên Facebook rồi làm theo thì nguy quá" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Có cùng suy nghĩ này, nhiều bạn đọc cho rằng việc lao động công ích hoặc thậm chí đưa vào trường giáo dưỡng một thời gian là biện pháp có tính răn đe cao hơn việc phạt tiền.
Mặt khác, TS Nguyễn Tùng Lâm đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của an ninh mạng trong vấn đề này.
"Khi cơ quan an ninh mạng nắm được thông tin các bạn hẹn nhau giải quyết hay xử lý mâu thuẫn gì đó thì phải báo cho các cơ quan hữu quan để ngăn chặn ngay, không để khi sự việc xảy ra rồi thì mới khắc phục hậu quả", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Bốn câu hỏi
Câu hỏi về lòng trắc ẩn: Bạn sẽ có niềm vui khi chứng kiến ai đó đánh nhau đổ máu, thậm chí mất mạng chăng? Thú vui này lạ quá! Tìm kiếm niềm vui trên những chuyện như coi ai đó đánh nhau thì phải được coi là vô nhân, cớ sao có thể lao vào một cách đầy đam mê như thế.
Câu hỏi của tình bạn: Sao không tìm cách can ngăn bạn bè mình đánh nhau thay vì cổ vũ, xúi giục và thưởng thức? Bạn mình đánh nhau thì bạn mình sẽ được gì nhỉ, trong khi gần như chắc chắn là bạn mình sẽ phải trả giá đắt cho sự an toàn tính mạng, chưa kể còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Câu hỏi nữa là về trách nhiệm với bản thân. Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ luôn dạy coi đánh lộn là một trong những cái ngu không gì tả nổi. Biết cái gì sẽ đến với bản thân ở cái chốn lộn xộn, thậm chí tên bay đạn lạc ấy.
Nhưng câu hỏi lớn nhất, đáng hỏi nhất, với những bạn trẻ đã góp mình vào đám đông ấy là câu hỏi về trách nhiệm xã hội. Dù với bất cứ lý do gì thì sự góp mặt ấy là vô trách nhiệm với xã hội. Bạn đã góp phần vào việc biến đám coi đánh nhau ấy thành một đám đông náo loạn đường phố. Đám đông ấy không chỉ gây kẹt xe, gây mất trật tự an ninh, mà còn gây ra một nỗi nhục nhã về trình độ nhận thức xã hội.
Không lẽ giới trẻ ở đất nước tôi họ chỉ biết ghi tên mình vào đời sống xã hội bằng những sự tham gia đầy ngu ngốc vào những trò như chen nhau coi đánh lộn.
Có thể bạn không thể làm gì cả để giúp giải tán đám đông coi đánh lộn, nhưng chí ít bạn phải nhận ra rằng bạn không nên góp thêm vào đám đông đó một sự ngu ngốc của chính bạn.
TS Huỳnh Văn Thông (trưởng khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Nguồn : Tin nóng trong ngày
Đăng nhận xét