Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư ở An Giang đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách tour miền Tây 4 ngày 3 đêm, bởi những trải nghiệm thi vị và các món ngon đậm đà tình quê, đặc biệt là vẻ đẹp quyến rũ của những “dòng sông bèo” xanh nõn mượt mà, ôm lấy những gốc tràm đã nhiều năm tuổi...
Đặc điểm rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư có diện tích gần 850ha, là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư khá phong phú. Hệ chim gồm 70 loài, trong đó có 2 loài chim quý hiếm là giang sen và điêng điểng. Hệ thú nổi bật với 15 loài dơi và 4 loài gặm nhấm, trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Hệ bò sát, ếch, nhái ghi nhận 25 loài, gồm cả rắn hổ mang và rắn cạp nong.
Trà Sư cũng là nơi trú ngụ của 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài cá chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.
Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư cũng khá đa dạng với 140 loài, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nổi bật nhất là cây tràm, và thảm bèo mơn mởn giăng kín mặt nước.
Ngoài ra, vùng đệm rừng tràm Trà Sư còn là nơi sinh sống của của cộng đồng người Khmer và người Kinh, với các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật...
Du lịch rừng tràm Trà Sư
Chạy dọc con đường thơ mộng dẫn lối vào khu du lịch rừng tràm Trà Sư An Giang, hai bên là những đồng lúa trải rộng ngút ngàn, điểm tô những tụm cây thốt nốt cao cao, khoe dáng hình độc đáo... dễ khiến du khách mải mê ngoạn cảnh thanh bình, và chẳng mấy chốc đã đến nơi.
Tại đây, du khách tour du lịch miền Tây 4 ngày sẽ có dịp ngồi trên chiếc tắc ráng đặc trưng miền sông nước. Thuyền lướt nhẹ trên thảm bèo màu mạ non, ngang qua vạt sen, khóm súng, rồi men theo “tuyến đường nước” đưa du khách vào sâu trong rừng tràm Trà Sư.
Tới một bến đò nhỏ trong rừng, du khách sẽ được chuyển sang chiếc xuồng ba lá mộc mạc, thân thương. Cô thôn nữ mặc áo bà ba, nón lá che nghiêng, tay khua mái chèo điệu nghệ, chầm chậm đưa du khách vào khám phá khu vực đẹp nhất của rừng tràm Trà Sư, nơi tấm thảm bèo xanh hơn bao giờ hết và cũng là vương quốc của các loài chim.
Bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng những gốc tràm cổ thụ khoe bộ rễ như chiếc váy xòe duyên dáng, hay những cây thủy liễu lay mình mềm mại theo từng gợn sóng, và ánh mặt trời không ngừng nhảy múa, phản chiếu những sắc màu mê đắm... Thi thoảng lại bắt gặp vài chú chim đang bói cá, ngụp lặn quanh vạt bèo tai tượng; hay ngụy trang kín đáo bên nhánh tràm, tò mò quan sát những vị khách đến thăm...
Chợt cô thôn nữ khua mái chèo chậm lại, khẽ nói với du khách rằng sắp đến vườn chim. Đi thêm đoạn ngắn nữa, ai nấy cũng chăm chú ngước nhìn những tổ chim xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn, và rộn ràng khắp không gian là âm thanh của hàng trăm cá thể chim cò đang ríu rít gọi nhau trên những tán cây sum suê, rợp mát... To tiếng và đáng yêu nhất có lẽ là những chú chim non háu đói, liên hồi “chiếp chiếp” đợi mẹ mớm mồi...
Sau chuyến khám phá rừng tràm Trà Sư bằng thuyền, bạn có thể leo lên đài cao quan sát, có sẵn ống nhòm tầm xa cho bạn thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm mênh mông bát ngát, và những cánh chim chao lượn giữa không trung.
Ăn gì khi du lịch rừng tràm Trà Sư ?
Trong khuôn viên rừng tràm Trà Sư còn có quán ăn chuyên phục vụ các món ăn đồng quê hấp dẫn. Ngồi trên gian chòi lá giữa khung cảnh hữu tình, du khách sẽ có dịp thưởng thức các món ăn dân dã thời khai hoang mở đất và những đặc sản miền nước nổi như: cá lóc nướng trui, canh chua cá linh nấu bông điên điển, chuột đồng nướng muối ớt, cua đồng chấm mắm me, gỏi sầu đâu trộn cá sặc...
Du lịch bụi rừng tràm Trà Sư ở đâu ?
Hiện trong khu vực rừng tràm chưa có cơ sở lưu trú, nhưng phía trước cổng vào đã có nhà nghỉ với tiện nghi tương đối. Hoặc bạn có thể tham quan trong ngày, tối chạy về thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Chi Lăng, TP. Châu Đốc nghỉ ngơi.
Theo kinh nghiệm du lịch rừng tràm Trà Sư, nếu muốn thử cảm giác ngủ đêm trong rừng, bạn có thể liên hệ với cán bộ kiểm lâm để được cho phép nghỉ đêm trên Đài Quan Sát. Nhớ mang theo lều, mùng, mền và thuốc chống muỗi.
Rừng tràm Trà Sư mùa nào đẹp ?
Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi là đẹp nhất, khoảng từ tháng 8 - 11 âm lịch (tháng 9 - 12 dương lịch). Bèo phủ dày như tấm thảm xanh mượt mà, hai bên tràm vòng tay che mát. Dưới nước vô số cá tôm, phía trên họ nhà chim tụ hợp. Những bông hoa tràm nở trắng, tỏa hương thơm thoang thoảng... tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động.
Đặc biệt, buổi sáng từ 7h - 9h, các loài chim tụ tập rất đông, líu lo không dứt dưới nắng vàng trong trẻo. Buổi chiều từ 5 - 6h, là thời điểm ngắm hoàng hôn rất đẹp từ đài quan sát và cũng là lúc đàn chim về tổ, bay lượn rợp trời.
Đăng nhận xét