GuidePedia

0
Dải đất hẹp miền Trung có một sức hút kì lạ không thể lí giải nổi. Này là Đà Nẵng văn minh – hiện đại, này là Huế cổ kính – e ấp, này là Nha Trang biển xanh vẫy gọi. Và thấp thoáng đâu đó, tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp chân chất của đất võ Bình Định – khiêm nhường nhưng kiên cường hơn tất thảy.

Người ta hay gọi Bình Định là đất võ và chỉ mặc định nơi này trong từ “anh hùng”. Nhưng với tôi, nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp ngất ngây không thua kém gì Tứ Bình ở Cam Ranh cả. Nếu không tin, bạn cứ thử đến Ghềnh Ráng với bãi đá đẹp như tranh 3D, hay đi xa một chút đến đảo Nhơn Lý vẫy vùng trong làn nước trong xanh ở Kỳ Co và leo lên Eo Gió thưởng ngoạn mây trời mênh mông bát ngát.

Nhưng ngắm cảnh thỏa thích, chơi đùa thỏa thuê thì cũng phải kiếm vài món đặc sản bỏ bụng nhỉ? Nếu bạn vẫn chưa biết ăn gì thì thử nghe 8 gợi ý dưới đây nhé.

Bún chả cá

Xứ biển với nguồn thủy hải sản dồi dào, trong đó có cá thu – một loài cá rất ngon và đắt tiền, chế biến thành món nào cũng ngon, nhất là chả cá thu – cắn thử một miếng, không nói nên lời. Nhờ phần chả cá thơm ngon mà bún chả cá Quy Nhơn nổi tiếng gần xa, dần trở thành món không-ăn-không-về của nhiều du khách du lịch biển Quy Nhơn khi đến xứ này.


Thật tình là tôi không sao quên nổi miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải nằm “ngoan ngoãn” trên mặt nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu ngọt tự nhiên trong một buổi chiều ở đất Bình Định.

Khách sạn tọa lạc ngay trung tâm Quy Nhơn, được thiết kế theo kiến trúc châu Âu hiện đại, gần nhiều khu vui chơi giải trí và các thắng cảnh du lịch hoang sơ tuyệt đẹp như ghềnh Ráng, bãi Dại, bãi Xép, khu du lịch Quy Hòa…

Bánh xèo tôm nhảy

Trước khi đến Bình Định, một người bạn bảo tôi: “Này, đi Bình Định chơi là phải nhớ ăn cho bằng được bánh xèo Mỹ Cang đó!”. May mắn được gặp cô bạn ấy mà tôi biết được một món tuyệt ngon tại đất này.

Ngay đầu cầu Mỹ Cang là một quán bán bánh xèo tôm nhảy khá đông đúc. Gọi một dĩa bánh xèo trong khi bụng cứ kêu réo sôi sục vì mùi thơm ngào ngạt, hấp dẫn bốc lên từ khuôn bánh, tôi hồi hộp chờ đợi để xem bánh xèo này khác gì với những loại tôi từng thưởng thức khắp tứ xứ. Và bạn biết không, đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ thịt tôm vừa tươi vừa ngọt trở nên ngon tuyệt cú mèo như thế nào trong thứ nước chấm được pha chế từ nước mắm nguyên chất đấy.

Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo ở Bình Định ngon nhất là khu vực Diêu Trì. Tuy không có gì quá khác lạ hay đặc sắc so với một số địa phương khác nhưng đây cũng là một món đáng nhớ của Bình Định.

Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt nướng song nếu gọi món này ở Diêu Trì, bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món cháo và lòng đấy.

Trứng vịt lộn chiên mắm


Chiều chiều, sau một chuyến tản bộ rã rời đôi chân hay tóc bết lại vì hơi muối trong gió biển, bụng cồn cào một chút, tôi quyết định dừng chân tại quán trứng vịt lộn ở đường Nguyễn Hữu Thọ cùng vài người bạn để kiếm vài món “ăn chơi”.

Nếu bạn từng mê mệt trứng vịt lộn luộc hay xào me tại khắp mọi ngóc ngách Sài Gòn thì sao không thử món vịt lộn chiên nước mắm? Vì là xứ biển, chuyên làm mắm nên nước mắm nguyên chất của Bình Định thơm thôi rồi, khi chiên trứng vịt lộn béo béo, ăn kèm rau răm thì ngon quên sầu luôn.

Nem, chả, tré

Miền Trung cũng đặc biệt nổi tiếng với món nem bởi hầu như tỉnh nào cũng sản xuất, đặc biệt rất ngon là đằng khác. Nem Bình Định có vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.

Không thể quên nếm thử món tré. Thoạt nhìn, chiếc tré như “cán chổi” nhỏ xíu. Đây là một trong những mồi nhậu của người dân bản địa khi uống rượu bầu đá. Nguyên liệu để làm nên tré là thịt tai, thịt đầu, thịt ba chỉ (heo) cùng với mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.

Bún tôm

Ngoài bún chả cá thì bún tôm cũng là món đặc sản nức tiếng của đất Bình Định này. Du khách tour Quy Nhơn Phú Yên hoàn toàn bị ấn tượng bởi những con tôm có màu đỏ cam rất tươi, điểm tô cho sự bắt mắt của tô bún.

Nghe nói người bán phải tự tay làm bún để ăn kèm nữa đấy. Nhưng có lẽ tôi sẽ vẫn còn nhớ mãi về bún tôm nhờ vị thanh của nước dùng, ngọt của tôm, thơm của tiêu và giòn của bánh tráng.

Bánh dây


Tôi chưa từng nghe qua tên món bánh này bao giờ. May mắn là trong một buổi chiều đi dạo với bạn bè, chúng tôi được bác xe ôm giới thiệu cho món bánh dây ngồ ngộ này.

Có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, bánh dây được làm từ bột gạo cũ (tức gạo thu hoạch từ nhiều tháng trước). Bánh dây khi ăn cùng dầu hẹ và đậu phộng giã nhỏ, chấm nước mắm pha chua ngọt mang lại cảm giác mới lạ nhưng không hề khó ăn một chút nào.

Bánh tráng nước dừa

Ngày cuối cùng ở đất Bình Định, tôi vô tình bắt gặp bánh tráng nước dừa. Là một trong những đặc sản được nhiều người yêu thích và mua về làm quà mỗi khi ghé đất võ này, bánh tráng nước dừa thoạt nhìn không khác gì với các loại bánh tráng thông thường.

Vì bánh tráng nước dừa dày nên phải nướng mới ăn được. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên, vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè, nước dừa khiến tôi chỉ muốn ăn ngay và luôn. Chỉ cần một chén xì dầu hay nước mắm gừng đơn giản để chấm bánh tráng là cũng ra một món ăn vặt ra trò rồi. Nghĩ vậy, tôi mua ngay vài xấp bánh tráng nước dừa để mang về Sài Gòn ăn dần, phòng khi nhớ xứ Nẫu quá.

Đăng nhận xét

 
Top