Đến với Sa Pa, du khách tour du lịch Sapa 2 ngày 1 đêm có thể thưởng thức rất nhiều món đặc sản như thịt nướng, trứng nướng, lẩu cá tầm, ngọn su su xào…và không thể không nhắc tới một món ngon Sa Pa nữa có giá rất rẻ và vô cùng quen thuộc với mọi người – đó chính là cơm lam.
Cơm lam không được nấu bằng nồi niêu bình thường mà dụng cụ nấu ở đây là ống tre nứa, có khi là ống bương, ống vầu. Gạo để nấu cơm nhất thiết phải là thứ gạo nương được trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa bởi gạo trồng dưới xuôi khi nấu trong ống tre sẽ bị nát. Gạo nương tuy là gạo tẻ nhưng lại dẻo tựa như gạo nếp vẫn dùng để nấu xôi ở dưới đồng bằng.
Cơm lam đặc biệt phổ biến với đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc nước ta, họ thường nấu khi làm nương rẫy. Người dân Sa Pa cũng thường coi cơm lam là một món đặc sản để đón tiếp khách quý hay sử dụng trong các ngày lễ hội của bản làng.
Để chế biến món ăn Sa Pa này, trước hết người dân địa phương phải vo gạo cho sạch cám rồi cho vào ống tre nứa, đổ nước theo định lượng gạo rồi dùng lá chuối làm nút, bịt kín ống. Có khi người nấu dùng ngay nước mưa đọng trong ống nứa đem nấu để cơm mang vị ngọt thiên nhiên. Sau đó, họ gác ống cơm lên một cái kiềng rồi đốt lửa trong khoảng một tiếng cho đến khi chín.
Việc đốt lửa cho ống cơm cũng là một công đoạn khá phức tạp, đòi hỏi người nấu phải vừa xoay ống cơm sao cho khéo léo lại vừa phải kết hợp với việc điều chỉnh nhiệt độ than lửa cho điều hòa. Như vậy, ống cơm mới chín đều, thơm ngon và giữ được hương vị.
Tre nứa để nấu cơm lam nhất thiết phải chọn loại tươi, non, tốt nhất là loại tre “bánh tẻ” vẫn giữ được màng tre bởi khi đốt lên, hơi ẩm của tre nứa sẽ thấm vào gạo để tạo thành hương vị đặc trưng và đầy hấp dẫn của núi rừng.
Ngày nay, cách nấu cơm lam cũng đã được cải tiến đôi chút để cơm có hương vị hấp dẫn hơn. Ngoài gạo, người đầu bếp còn trộn thêm một chút dầu dừa và lá nếp để cơm nấu xong được ngậy và thơm ngon hơn. Sự cải tiến này rất được du khách ưa thích và hưởng ứng.
Mỗi ống cơm lam thưởng chỉ đủ cho một người ăn. Khi ăn, thực khách tour du lịch Sapa từ Hà Nội có thể bổ đôi ống tre và xới cơm ra bát hoặc cầu kì hơn là chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống tre rồi vót cho tới khi xung quanh ống cơm chỉ còn một lớp tre mỏng. Lúc này, người ăn mới cắt mỗi ống cơm ra thành nhiều khúc. Khi thưởng thức, thực khách sẽ dễ dàng tách lớp tre mỏng đó, để lại trên bề mặt cơm một lớp màng tre rất mỏng manh.
Món ăn đặc sản Sa Pa này thường được ăn cùng với muối vừng hoặc thịt nướng – có thể là thịt gà, thịt lợn, thịt bò hay cá nướng. Được biết, người dân Sa Pa không chỉ nấu cơm mà có thể nấu bất cứ thứ gì bằng ống tre nứa, thay cho nồi, niêu, ấm, chảo. Do phải thường xuyên đi rừng làm nương rẫy, không tiện mang theo dụng cụ, người dân địa phương đã nghĩ ra cách nấu ăn trong các ống tre nứa.
Thịt gà hay thịt lợn được thái nhỏ, trộn thêm chút muối rồi nhồi vào ống tre cùng với mộc nhĩ và nấm hương rừng, đem nướng lên có vị thơm ngon không thua kém gì những món ăn được chế biến cầu kì. Cách nấu ăn này bắt nguồn từ chính thực tế lao động của người dân và theo thời gian đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng vùng miền.
Đến Sa Pa, được ăn cơm lam với đồ nướng là thú vui của rất nhiều du khách vì như vậy, họ được thưởng thức hương vị của núi rừng và như được sống gần gũi hơn với thiên nhiên. Chỉ với khoảng mười nghìn đồng, thực khách đã có thể mua được một ống cơm lam và tự mình nếm thử món ăn ngon tại Sa Pa này.
Đăng nhận xét