Bắc Lệ là một ngôi đền cổ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, thuộc khu Nam của Phố Bắc Lệ, từ đây có thể nhìn thẳng xuống con suối Bắc Lệ, bao quát cả một vùng đồi núi rộng lớn trước mặt.
Không ai biết rõ đền Bắc Lệ xây dựng vào thời gian nào mà chỉ căn cứ vào văn bia năm 1919 rằng: trước đó đền là một am nhỏ thường hay bị hỏa hoạn, được sự cúng tiến của một mạnh thường quân người Hải Phòng, đền Bắc Lệ được xây dựng thành một ngôi nhà ba gian theo phong cách nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc. Sau này qua nhiều lần tu bổ nhưng ngôi đền vẫn giữ được dáng vẻ cổ truyền kết hợp với các yếu tố hiện đại cùng nhiều di vật cổ: mười chín bức tượng lớn nhỏ làm bằng gỗ mít, hoành phi câu đối chạm trổ tinh tế.
Trong đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn (nữ thần cung cấp ban phát nguồn của cải nơi núi rừng cho con người) - một trong ba vị Mẫu được thờ phụng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt và Chầu Bé là một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, theo những người dân trong vùng kể lại thì Chầu Bé có thể thay mặt cho Mẫu thực hiện những lời nguyện xin của người dân. Đền chính được dựng theo kiểu chữ Đinh có diện tích 126m², gồm tiền tế và hậu cung, trên nóc mái nhà tiền tế có tượng long chầu lưỡng nghi tượng trưng cho trời và đất, vạn vật sinh sôi. Nhà bái đường gồm 6 gian, gian phía trong thờ Hoàng Thượng Đế, ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, gian chính cung thờ tam tòa Thánh Mẫu, 2 bên có am thờ Trần Hưng Đạo và chúa Sơn Trang.
Đền được trùng tu năm 1922 và 1933, một cổng Tam quan to cao được xây dựng ở phía ngoài tam cấp lên đền, bên phía mặt tiền của đền là một gian nhà nhỏ khoảng 10m², thờ Chầu Bé Bắc Lệ, phía trước bên trái phía Đông Bắc của mặt chính diện đền có một bàn thời Ngũ Hổ ngoài trời.
Lễ hội chính của đền Bắc Lệ được tổ chức vào ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Việc tế lễ, rước sách tổ chức rất linh đình, với nhiều nghi thức hầu bóng, lên giá đồng (một hình thức diễn xướng tâm linh, người diễn hóa thân thành vai các vị thần thánh làm những động tác múa đao kiếm, múa hoa, chèo đò), thu hút một số lượng đông đảo người dân du lịch tâm linh tham dự.
Đăng nhận xét