GuidePedia

0
Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km, nổi tiếng linh thiêng về cầu làm ăn buôn bán. Năm hết, người người đã đến vay bà Chúa đầu năm lại đến làm lễ để trả cái lễ đã vay.

Tâm linh người Việt có xin có đáp đền. Bởi thế mà đầu năm nườm nượp người đến vay Bà Chúa, mong một năm làm ăn thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh để rồi cuối năm tầm tháng 11 âm lịch, người ta đổ về đền Bà Chúa Kho xin trả.


Tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp… Sau này bà trở thành hoàng hậu (thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia.

 Đền Bà Chúa Kho được dân gian truyền gọi là “Ngân hàng địa phủ”. Ngôi đền nổi tiếng này được giới buôn bán làm ăn đặc biệt hay lui tới. Nhiều du khách đến lễ hội Đền Bà Chúa Kho bảo đền linh thiêng lắm, cầu xin ắt được như ý. Quanh năm đền đông khách vào ra thắp hương xin lộc, thành tâm cúng bái.

Ðền nhìn về hướng nam. Cổng tam quan là công trình mở đầu cho cụm kiến trúc này, các công trình kiến trúc chính của đền gồm sân đền, hai dải vũ, toà tiền tế, công đệ nhị và hậu cung, tất cả tạo thành một thể thống nhất, uy nghi.

Xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ buôn bán đồ cúng lễ. Vào dịp lễ hội cuối năm và đầu năm, các phường bán đồ tế nhộn nhịp người vào ra. Người mua cần thứ gì, không biết cần có những gì trên mâm lễ, chưa biết đặt tiền vàng ở đâu cho đúng chỗ có thể nhờ người bán hàng. Mâm lễ được sắp tùy tâm người đến cửa Đền, đôi khi chỉ đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ, có người cầu kì thì con gà đĩa xôi, không thì cũng làm một mâm ngũ quả đủ đầy. Bước vào cổng đền, thắp nén hương lên bàn thờ bà Chúa, thành tâm cầu khấn.


Đường đi

Từ Hà Nội bạn đi theo đường qua cầu Thanh Trì sang quốc lộ 1B đến TP Bắc Ninh gặp cầu vượt có biển chỉ dẫn đi Phả Lại thì rẽ vào, ngay sau đó rẽ trái đi lên cầu vượt rồi đi thẳng khoảng gần 3km là đến đèn xanh đèn đỏ thứ 2 thì rẽ phải lại hướng đi Lạng Sơn (Đường này là QL 1A).

Đến đây bạn đi tiếp khoảng 3,5 km thì đến ngã 3 thấy biển "Đền Bà Chúa Kho" thì rẽ vào.

Đến khi nào

Ngày 14 tháng Giêng là chính hội Đền Bà Chúa Kho nhưng ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, đông đảo người dân cả nước lại nô nức chảy hội đền để cầu tài lộc, bình an.

Chuẩn bị lễ vật

Đền Bà Chúa Kho là một trong những địa điểm bày bán phong phú rất nhiều đồ lễ dọc theo lối đi. Bên cạnh những đồ lễ mặn là những mâm lễ vàng mã, những cây tiền, những cành vàng, cành bạc. Người đi lễ phải đội lễ cao ngất ngưởng trên đầu mới mong tránh va chạm trong dòng người ùn ùn kéo vào đền.

Một lượng vàng mã vô cùng lớn được đốt hàng ngày gây ra một hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội ở đền Bà Chúa Kho. Do lượng vàng mã đốt quá nhiều nên hai lò đốt vàng mã ở phía sau đền luôn hoạt động hết công suất tỏa ra sức nóng rất khó chịu khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để tự hóa vàng, từ đó xuất hiện một đội quân hóa vàng mã thuê luôn thường trực trước cửa lò. Du khách đều phải đưa tiền cho những thanh niên ở gần đó trong mỗi lần hóa, còn số tiền là tùy tâm.

Việc sắm sửa vàng mã du khách nên chuẩn bị trước từ nhà để có sự chủ động và không bị các cửa hàng ở đây chặt chém. Vàng mã chỉ nên sử dụng vừa phải, tránh lãnh phí. Riêng tiền thật, bạn không nên đặt lên ban thờ hay hương án ở chính điện mà nên cho vào hòm công đức.

Nghi lễ “vay vốn” Bà Chúa Kho

Mặc dù nghi lễ “vay vốn” Bà Chúa Kho chỉ là một nghi lễ tâm linh nhưng người lễ bái phải thành tâm và giữa đúng lời hứa của mình. Người đến vay cần ghi trong sớ rõ ràng là vay bao nhiêu, vay để làm gì và ghi rõ thời gian sẽ trả (tạ lễ) là 1 năm, 2 năm hay 5 năm. Thậm chí, có một số người còn hứa vay một trả 3 hay vay một trả 10. Việc vay trả là tùy thuộc quan niệm mỗi người nhưng nhất thiết có “vay” thì phải có “trả” dù cho bạn có làm ăn được hay không.

 Cầu nguyện và lễ bái

Trong những năm gần đây, tình trạng cúng thuê diễn ra tràn lan gây nên sự xô bồ, lộn xộn ở đền Bà Chúa Kho. Mặc dù ban quản lý nhà đền đã có cảnh báo du khách không nhờ người khấn thuê bằng những bảng thông báo đặt ở nhiều vị trí trong đền nhưng ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy trong giữa đám đông người cúng lễ có rất nhiều người cúng thuê len lỏi, chiếm chỗ của du khách.

Bạn có thể cầu nguyện an bình, sức khỏe cho cả gia đình. Xin phù hộ đường công, danh, tài, lộc cho bản thân. Đặc biệt, nhiều du khách đến đây để xin Bà Chúa Kho cho vay vốn làm ăn. Bạn nên tự cầu nguyện và cúng bái để thể hiện lòng thành tâm của mình.

Hướng dẫn đồ lễ bái

Lễ chay: gồm phẩm oản, quả, trà, hương hao dùng để dâng lên ban Thánh Mẫu.

Lễ mặn: bạn có thể dùng đồ mặn như thịt gà, thịt lớn hoặc là mua đồ chay hình tướng lợn, gà, chả, giò.

Lễ đồ sống: bạn tuyệt đối không được dùng các đồ lễ sống bao gồm trứng, muối, gạo hoặc thịt tại các ban Ngũ hổ, Thanh xà, Bạch xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ Phủ.

Cỗ Sơn Trang: bao gồm những đồ đặc sản chay của Việt Nam. Không dùng lươn, ốc, cua, chanh quả, ớt… Trong trường hợp bạn có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc lễ này.

Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: thường bao gồm hương hoa, quả, oản, lược, gương… Đây chính là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, những lễ vật này nhỏ, đẹp, cầu kỳ và được đựng trong những chiếc túi đẹp mắt, xinh xắn.

Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: để những lời cầu nguyện được linh ứng và có phúc thì bạn phải dùng đồ chay để tế lễ.


Cách hạ lễ

Khi kết thúc việc dâng lễ, khấn bái ở các ban thờ thì bạn có thể viếng thăm phong cảnh tại nơi thờ tự trong khi đợi hết một tuần nhang. Thắp hết một tuần nhang này bạn có thể thắp thêm một tuần nhang nữa. Thắp nhang xong, bạn cần vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ sớ đem ra nơi hóa vàng để hóa. Sau khi hóa sớ xong thì bạn mới hạ lễ dâng cúng khác. Khi hạ lễ, bạn cần hạ từ ban ngoài đến ban chính. Đối với các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như lược, gương… bạn hãy để nguyên trên bàn thờ hoặc giả nơi đặt bàn thờ này có để riêng thì bạn nên gom vào đó mà không đem về nhà.

Lưu ý cho bạn:

* Phòng tránh móc túi

Bọn móc túi thường hay chà trộn vào dòng người đông đúc tại đền Bà Chúa Kho nên bạn chú ý không mang nhiều tiền mặt hay đeo các loại trang sức đắt tiền để giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu trường hợp xấu nhất xảy ra.

- Ở những nơi đông người hoặc khi bị chen lấn xô đẩy trong đền, bạn nhớ luôn giữ túi đeo trước ngực mình. Đối với trường hợp bạn đeo ba lô đằng sau thì không nên để vật có giá trị ở bên trong.

- Chú ý không đếm tiền ở nơi công cộng vì sẽ rất dễ bị trộm giật hoặc để ý.

- Khi nghỉ ngơi tại những quán ăn ven đường, bạn hãy mang túi ba lô và túi xách của mình khi đi vệ sinh.

Tóm lại, người đi lễ đền Bà Chúa Kho cần phải có thái độ và cách hành xử văn minh hơn để duy trì nét đẹp đầu xuân của người Việt Nam, vừa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích.

* Trang phục

Theo quan niệm của người phương Đông thì ở nơi thờ tự linh thiêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đưa lên hàng đầu. Những bộ đồ màu sắc nhã nhặn sẽ là lựa chọn lý tưởng. Bạn nên tránh những loại quần áo nhiều dây dợ, tà dài thướt tha rất dễ gây vướng víu ở những nơi đông đúc như các đền chùa ngày đầu năm. Những chi tiết rườm rà trên quần áo rất dễ vướng vào hương hoặc bị tàn hương rơi làm rách, cháy vải.

Bên cạnh đó bạn nên đi những loại giày dép lịch sự, gọn gàng. Do khi lễ đền chùa thường phải đi bộ khá nhiều nên bạn hãy hạn chế đi những kiểu giày cao gót.

Cùng với rất nhiều các lễ hội lớn khác của miền Bắc như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Trần, lễ hội Phủ Giày đã làm nên 1 bản sắc văn hóa độc đáo của ngày Xuân đầu năm.

Đăng nhận xét

 
Top