Với quyết tâm không để những hạn chế của mùa lễ hội 2017 tái diễn, trước mùa lễ hội 2018, ngành văn hóa đặt vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đối với người tham gia lễ hội.
Tuyên truyền để nâng cao ý thức, để người dân- chủ thể các lễ hội thay đổi cách thức tổ chức các lễ hội có yếu tố không phù hợp, tuyên truyền để người tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh… là rất cần thiết. Trên thực tế, nhiều năm qua, giải pháp tuyên truyền để hạn chế những phản cảm của lễ hội đã được đặt ra. Nhưng năm nay, theo các nhà khoa học, các nhà quản lý, cần tuyên truyền phù hợp đối tượng, phù hợp lễ hội, tránh chung chung, thiếu hiệu quả.
Năm 2018, Hà Nội cam kết sẽ không còn hiện tượng cướp lộc hoa tre tại Lễ hội đền Sóc do thay đổi cách thức tổ chức. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: Hà Nội đã phải “đau đầu” nghiên cứu với đền Sóc, giữa bảo tồn và phát triển, giá trị nào cần giữ, cái gì không giữ?. Như với Sóc Sơn, điển hình về tranh cướp lộc. Ngày xưa các cụ cướp lộc nhưng có văn hóa. Người trẻ nhường người già, đàn ông nhường phụ nữ. Ngày nay là cướp, là giành giật. Vì vậy, năm nay, thay đổi phương thức. BTC sẽ tất lộc cho du khách trẩy hội đền Sóc và chùa Non Nước sau khi thực hiện nghi lễ.
Tuy nhiên, ông Tô Văn Động cũng cho biết, để thay đổi được hình thức tổ chức lễ hội này, Sở VHTT Hà Nội phải vào cuộc rất tích cực chỉ đạo địa phương. Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu. Nhà quản lý, nhà nghiên cứu cùng gặp gỡ các cụ cao niên để vận động mới làm được việc này. Phương châm của chúng tôi là đảm bảo giữ được văn hóa và không phản cảm.
Một trong những địa phương đạt được hiệu quả trong quản lý và tổ chức lễ hội nhờ vận động, tuyên truyền là Yên Bái. Từ việc tổ chức 7-8 hội chọi trâu trong các năm trước. Năm 2017, nhờ sự vào cuộc vận động của Sở VHTTDL địa phương, Yên Bái chỉ còn một nơi tổ chức chọi trâu. Năm 2018, tỉnh cam kết không còn Lễ hội chọi trâu. Bà Lê Thị Thanh Bình- Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: “Công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng, không chỉ với chính quyền địa phương mà với người dân, cộng đồng. Chúng tôi rất quyết liệt trong thực hiện tuyên truyền, vận động. Đặc biệt là gặp gỡ các cụ cao niên, từ đền, những người có uy tín trong cộng đồng để vận động. Khi được các cụ ủng hộ thì việc vận động bà con rất dễ dàng”.
Việc các địa phương đã xác định tuyên truyền theo đối tượng, theo từng lễ hội là hợp lý. Bởi theo PGC.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, có như vậy mới tránh được sự tuyên truyền chung chung, thiếu hiệu quả.
“Phải xác định tuyên truyền phù hợp với từng lễ hội cụ thể, từng đối tượng cụ thể. Với đối tượng nhà quản lý phải nhận thức là tổ chức sự kiện, phải tư duy chuyên nghiệp trong tổ chức. Còn với nhân dân tham gia lễ hội, phải hướng tới tính thiêng. Trong một thời gian tương đối dài, chúng ta làm mất tính thiêng của lễ hội. Hàm lượng giá trị đạo đức là định hướng rất quan trọng với người tham gia lễ hội. Tại sao nhiều nước cũng có những lễ hội rất nhiều người tham gia nhưng không lộn xộn như ở ta. Vì vấn đề tâm linh, yếu tố tinh thần của người tham gia, khi người ta biết sợ thánh thần, biết rằng làm cái gì thì tốt, cái không tốt thì người ta sẽ thực hiện đúng. Còn không biết thì dẫn đến câu chuyện người ta chèn ép người này, cướp lộc chỗ khác, móc túi người kia…Củng cố vấn đề tâm linh thông qua tuyên truyền đối với từng di tích cụ thể sẽ đem lại những hành vi đúng đắn”-PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Có lẽ đã đến lúc đặt ra câu chuyện tuyên truyền về tính thiêng ở lễ hội. Như với Lễ hội Đền Trần, nếu chỉ hạn chế bằng việc cất đồ lễ ngay sau khi dâng hương xong thì chỉ là giải pháp tạm thời, hơn thế còn là phản cảm. Có khác nào vừa mới bưng mâm lên mời cha mẹ ăn, cha mẹ chưa kịp ăn thì con cái đã cất đi. Khi nhận thức được việc cướp là sai trái, là phạm vào thần linh, thì có lẽ, những hành vi cướp lộc mới hạn chế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nghi thức, nghi lễ chuẩn mực cho du khácc khi tham gia tour lễ hội 2018 là cần thiết. Từ quy chuẩn đó, những người quản lý các cơ sở thờ tự, BQL di tích đẩy mạnh tuyên truyền để người tham gia lễ hội hiểu và làm theo. Khi đã nâng cao nhận thức thì sẽ không còn những hành vi sai lệch, phản cảm trong lễ hội. Đó chính là giải pháp hiệu quả nhất khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại của các hoạt động lễ hội đúng như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành văn hóa: Lễ hội phải truyền được thông điệp tốt đẹp, tuyệt đối tránh tư tưởng tham lam, mưu lợi vật chất của người dân tham gia. Lễ hội góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân./.
Đăng nhận xét