Tháng Giêng là thời điểm nhiều lễ hội lớn tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc và cả nước đồng loạt được tổ chức.
Theo ghi nhận tại nhiều điểm di tích, hầu hết các lễ hội lớn đã được tổ chức quy củ hơn. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hành vi phản cảm như chen lấn, xô đẩy, rải tiền, đốt đồ vàng mã, cờ bạc… Tại nhiều lễ hội nhỏ lại có xu hướng nở rộ các hình thức “cướp” mang tính cầu may.
Điểm cộng công tác tổ chức
Mùa xuân, các lễ hội độc đáo ở miền Bắc thường diễn ra từ mùng 4 tết cho đến hết tháng Giêng âm lịch. Khởi đầu với lễ rước pháo ở Đồng Kỵ, sau đó là lễ hội Gò Đống Đa- tưởng nhớ chiến thắng giặc ngoại xâm của Quang Trung- Nguyễn Huệ, rồi tiếp đến hội Gióng - đền Sóc, lễ hội chùa Hương, hội chợ Viềng- Nam Định; lễ hội Yên Tử, hội Lim, hội khai ấn Đền Trần. Thông thường lễ hội chỉ kéo dài vài ba ngày, tuy nhiên cũng có những lễ hội kéo dài trong cả 3 tháng đầu năm như lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính… thu hút lượng du khách tour du xuân 2018 lên tới cả triệu người.
Năm nay là năm đầu tiên hội Gióng - đền Sóc (Hà Nội) - Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, được đổi mới theo hình thức bỏ tục “cướp” hoa tre, “cướp” trầu cau… nhờ đó đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính nhưng bình yên. Là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, mùa lễ hội năm nào Khu di tích lịch sử đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn du khách thập phương và phật tử khắp nơi tụ hội. Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng tại đền Sóc còn rất nổi tiếng với tục “cướp giò hoa tre”.
Giò hoa tre cũng là một trong 8 lễ vật được các địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn cung tiến vào dịp lễ hội. Mọi năm, sau khi rước giò hoa tre và trầu cau dâng tại đền chính, 2 lễ sẽ theo 2 hướng rước xuống đền Hạ và đền Mẫu. Tại đây, sau phần lễ tạ sẽ có nghi lễ tất lộc… Và chính đây là thời điểm tất cả lao vào “cướp” lộc cầu may, khiến nhiều người bị sứt đầu, mẻ trán. Để khắc phục tình trạng này, ban tổ chức đưa lễ hội về với tính chất ước lệ, trong sáng vốn có, kịch bản bỏ “cướp” lộc được chuẩn bị từ nhiều tháng trước khai hội.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Ban Quản lý Khu Di tích-Du lịch đền Sóc Sơn, cho biết trước Tết có nhiều cuộc đối thoại với dân làng 2 thôn Vân Tảo và Vệ Linh để bàn thảo thay phương án tất lộc trầu cau và hoa tre. 2 lễ vật trong số 8 lễ vật dâng lên sân Rồng, đền Thượng ở núi Sóc luôn nằm trong diện “bảo vệ nghiêm ngặt”. Vài năm gần đây, dù đoàn rước trầu cau và hoa tre an toàn về tới đền Mẫu và đền Hạ nhưng sau khi các cụ hô tất lộc, hàng trăm thanh niên chen lấn vào cướp, nhẹ thì sơ sảy chân tay, có năm nặng hơn là đổ máu. “Năm nay chúng tôi vẫn đảm bảo nghi lễ không đi ngược lại cam kết với UNESCO, sau khi dâng lễ và tiến cung chúng tôi vẫn tất lộc. Chỉ có điều, trước tất lộc tập trung, nay tất lộc nhỏ lẻ” - ông Nho nói.
Có mặt tại khu di tích đền Sóc sớm mùng 6 tháng Giêng, trong không khí mưa xuân lất phất, lễ hội Gióng đã diễn ra trang nghiêm, thành kính khi không còn hình ảnh côn ba khúc dẹp đường, cảnh trèo đầu, cưỡi cổ nhau giành lộc. Ban tổ chức thở phào khi hoàn thành nghi lễ khai hội Gióng với đầy đủ nghi thức theo truyền thống mà không còn cảnh xô xát, chen lấn nhờ thử nghiệm bỏ cướp lộc hoa tre và trầu cau, thay vào đó là cảnh xếp hàng xin lộc theo hướng văn minh.
Hòa trong dòng người đi lễ hội, ông ông Đỗ Bá Sơn, Phó thôn Đan Tảo, chủ tế thôn dâng lễ trầu cau, dấu chút tiếc nuối: “Năm đầu tiên bỏ cướp lộc nên nhìn ra xung quanh cũng nhạt, không còn điểm nhấn gay cấn nữa”. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận mọi năm người dân cướp cả cây trầu dễ xảy ra xô xát, tục này cần thay đổi để phù hợp với xã hội. “Năm nay đoàn rước không cần mang gậy đi theo là cái vui nhất rồi” - ông Sơn nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy di sản văn hóa Việt Nam, cũng ủng hộ sự thay đổi nghi thức tổ chức này. PGS.TS Nguyễn Văn Huy lấy thí dụ từ Hội Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm) cũng từng đổi gậy gỗ bằng gậy nhựa cho đoàn tùy tùng bảo vệ ông Hiệu, nên ngăn được bạo lực lễ hội. Đây có thể được tính là một điểm cộng dành cho ban tổ chức lễ hội năm nay.
Cùng đó lễ hội chùa Hương, một trong những điểm nóng của những mùa lễ hội trước cũng đã khai hội bình an. Theo thống kê của ban tổ chức, chỉ riêng ngày khai hội chùa Hương 2018 đã đón hơn 50.000 lượt khách du lịch chùa Hương 1 ngày, tăng 5% so với năm trước, mặc dù cũng xảy ra ách tắc cục bộ nhưng không có cảnh chen lấn xô đẩy phản cảm và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngất vì chen lấn như nhiều mùa hội trước.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Mặc dù ghi nhận có nhiều tín hiệu vui khi mùa lễ hội năm nay nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đơn vị chức năng cũng như chính quyền địa phương. Song dù nội dung các lễ hội dần được điều chỉnh theo hướng văn minh hơn để phù hợp hơn với cuộc sống thực tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa, thì công tác tổ chức vẫn có chiều hướng chệch choạng.
Tại nhiều điểm đình, đền, chùa lớn ở Hà Nội và ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lợi dụng lượng du khách đổ dồn về quá đông đã xuất hiện các điểm trông giữ xe trái phép với giá cao gấp nhiều lần so với quy định. Thậm chí tại khu vực xung quanh chợ Viềng - Nam Định, trong phiên chợ mua may bán rủi duy nhất trong năm có bác tài đã phải ngậm ngùi trả phí trông xe lên tới 500.000 đồng. Nếu việc giảm tránh bạo lực được chú tâm chấn chỉnh, thì các dịch vụ hỗ trợ như hàng quán, bãi trông xe, cờ bạc núp bóng trò chơi có thưởng… vẫn là vấn đề nhức nhối ở những lễ hội năm nay.
Tại lễ hội chùa Hương đã không còn treo động vật trong tủ kính nhưng hàng quán vẫn nhếch nhác, lộn xộn từ cổng Thiên Trù lên động Hương Tích. Loa quảng cáo bánh củ mài, thuốc đông y… ra rả với cường độ lớn. Nơi cõi Phật thanh tịnh trở thành ồn ào, bát nháo. Cùng đó là nạn đốt vàng mã, đổi tiền lẻ, rải tiền, đặt lễ không đúng nơi quy định diễn ra công khai.
Tại Vĩnh Phúc, hàng trăm thanh niên vẫn giẫm đạp, lao vào tranh cướp manh chiếu trong lễ hội "Đúc Bụt" với niềm tin ai cướp được chiếu sẽ sinh con trai. Vậy là không kể người lớn, kẻ nhỏ, thậm chí cả cậu bé vẫn đang mặc áo đồng phục của nhà trường cũng lao vào đám đông hỗn loạn để tranh cướp lấy may. Cũng tại Vĩnh Phúc trong lễ hội Rước cây bông, cả trăm người cùng lao vào cướp cho được biểu trưng bông lúa để cầu cho mùa màng năm tới tốt tươi. Mặc dù quy mô của 2 lễ hội này chưa lớn như hội Gióng nên việc tranh cướp xảy ra nhanh nhưng rất phản cảm, may mắn không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Còn nhiều biến tướng, những ngày đầu mùa lễ hội mừng xuân 2018 tạm được coi là êm ả, nhưng cả cơ quan quản lý lẫn người dân vẫn hồi hộp trong lo âu khi chuẩn bị hàng loạt lễ hội được coi là điểm nóng như hội cướp phết Phú Thọ, khai ấn Đền Trần… chuẩn bị diễn ra.
Đăng nhận xét