GuidePedia

0

Bản Phiêng Bung, xã Năng Khả (Nà Hang) nằm trên độ cao trung bình 500 m, đỉnh núi cao nhất tới gần 1.000 m so với mặt biển. Từ đây có thể bao quát toàn cảnh thị trấn Nà Hang, rõ nhất là công trình thuỷ điện Tuyên Quang và vùng lòng hồ rộng lớn.



Bà Hoàng Thị Sinh, một trong những người sống lâu năm ở bản Phiêng Bung cho biết, ở đây, mọi người có thể quan sát thấy sự thay đổi từng ngày, từng giờ của thị trấn Nà Hang và sự hoành tráng của công trình thuỷ điện Tuyên Quang. Những lúc lên rừng hái nấm, nhặt rau hay lấy củi, bà con đều được ngắm công trình thuỷ điện lộng lẫy. Vào mùa nước, hơn chục dòng thác từ Phiêng Bung đổ xuống vùng hồ, tạo thêm vẻ mơ mộng và hấp dẫn cho hồ thuỷ điện Tuyên Quang.

Phiêng Bung có diện tích tự nhiên hơn 180 ha, trong đó mặt bằng rộng tới 120 ha. Hệ thực vật ở đây phong phú, nhiều năm tuổi với các loại gỗ quý như nghiến, đinh, lát... Diện tích rừng nguyên sinh còn giữ được hơn 145 ha. Không khí ở đây quanh năm mát mẻ. Dù mùa hè nóng bức, không nhà nào phải dùng đến chiếc quạt điện và cứ sau 10 h đêm là trời se lạnh. Ở đây, chiếc chăn bông luôn là người bạn của người dân trong suốt bốn mùa.

Phiêng Bung hiện có 17 hộ dân, 62 nhân khẩu sống bằng nghề nông với các loại cây trồng chính là lúa, ngô, khoai, sắn. Phiêng Bung có nhiều dân tộc anh em: Tày, Dao, Cao Lan... Anh Đặng Văn Năm, Trưởng thôn Phiêng Bung cho biết, ngoài việc trồng rừng, làm nông nghiệp, bà con còn khai thác nguồn lợi từ rừng gồm các loại ra rau, nấm, mộc nhĩ... sẵn có để cải thiện bữa ăn và mang bán rất có giá trị.



Chị Phạm Thị Thảo, một cư dân trong thôn Phiêng Bung cho biết: “Rau ngót rừng ở đây rất nhiều. Chúng tôi chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi vào rừng là kiếm được cả gánh rau ngót. Không chỉ để ăn, chúng tôi còn đem bán ở chợ huyện với giá 1.500 đồng /mớ, dù không cao nhưng mỗi ngày tôi cũng kiếm được 100 - 200 nghìn đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhặt thêm nấm, mộc nhĩ để bán. Nấm tuy không nhiều nhưng giá lên tới 15 nghìn đồng /kg nên cũng kiếm được kha khá”.

Hiện nay, Phiêng Bung được quy hoạch vào Khu du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Đoạn đường dài gần 5 km từ xã Năng Khả lên Phiêng Bung đang được nâng cấp, mở rộng. Phiêng Bung đã đón nhiều đoàn khách trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả khách quốc tế tới tham quan. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư của tỉnh và huyện, Phiêng Bung sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách thập phương.

Đăng nhận xét

 
Top