Một chuyên gia hôn nhân nói rằng việc thiếu đàn ông lẫn thời gian yêu là lý do khiến tỷ lệ kết hôn ở Hong Kong giảm. Dù vậy, có ý kiến cho rằng nhiều người đơn giản không quan tâm.
South China Morning Post dẫn số liệu của cơ quan Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong cho biết tỷ lệ phụ nữ/đàn ông trong độ tuổi từ 20 - 29 ở thành phố này là 852 đàn ông trên 1.000 phụ nữ. Người dân cũng trì hoãn việc kết hôn lâu hơn, tuổi kết hôn trung bình là 29,4 ở phụ nữ và 31,4 đối với nam giới.
Từ năm 1986 - 2016, tỷ lệ người chưa từng kết hôn đã tăng 14% và 61%, lần lượt với nữ và nam. Xu hướng tìm vợ đại lục của đàn ông Hong Kong đã giảm bớt khi con số này giảm từ 28.145 vào năm 2006 xuống còn 15.300 vào năm 2016. Số phụ nữ Hong Kong kết hôn với đàn ông đại lục tăng lên nhưng vẫn chỉ ở mức 7.626 trường hợp.
Một người đàn ông tự chụp ảnh tại bến cảng Victoria, Hong Kong. Ảnh: AFP.
Ariadna Peretz, chủ công ty môi giới hôn nhân Maitre D'ate, lại nói rằng người Hong Kong đơn giản không còn thời gian để yêu. Bà dẫn một cuộc khảo sát gần đây cho thấy cư dân thành phố này là những người làm việc nhiều nhất thế giới.
"Mười giờ mỗi ngày, cộng thêm cả thời gian di chuyển, sau đó thì bạn chẳng còn bao nhiêu thời gian và năng lượng", bà nói. "Người ta vẫn hẹn hò cho vui nhưng lại thiếu đi những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa".
Khi được hỏi phải chăng cư dân Hong Kong quá khó tính, bà Peretz nói rằng nhiều người có tư tưởng quá coi trọng kết quả.
"Nhờ sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò, người ta có tâm lý luôn luôn chờ đợi người tốt hơn. Chuyện này xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, nhưng tôi nghĩ tình hình khá nghiêm trọng tại Hong Kong".
"Phụ nữ Hong Kong thường đặt nặng sự nghiệp, phải đến năm 30, 40 tuổi họ mới nhận ra mình cần một gia đình. Họ đang làm khó chính mình", bà nói.
Người Hong Kong đang kết hôn trễ hơn và ít hơn. Ảnh: AFP.
Dù vậy, một số người cho rằng tình yêu là thứ bị quan trọng hóa quá mức và họ đơn giản không cần nó.
"Sẽ hoàn toàn bình thường nếu bạn thật sự không quan tâm. Nhưng bạn cần phải cẩn thận vì tỏ ra mình không quan tâm là một cơ chế phòng vệ", chuyên gia tình cảm này cho biết.
South China Morning Post lưu ý rằng ở chiều ngược lại, việc mọi người đổ xô đi kết hôn cũng có thể là một cơ chế phòng vệ.
Đăng nhận xét