Các chuyên gia ngành dịch vụ Nhật Bản tin rằng xu hướng này phản ánh nỗ lực giải quyết nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh chóng.
Một số nhà hàng Nhật Bản, thường phục vụ nhóm bạn hoặc gia đình, đang chuyển đổi mô hình để tập trung vào những khách hàng cá nhân thích ăn uống một mình và không muốn bị phân tâm bởi nhân viên hoặc những khách hàng khác.
"Chúng tôi đã tìm ra cách để khách hàng có thể thưởng thức ramen mà không bị làm phiền bởi ánh nhìn từ những người khác", người phát ngôn của chuỗi nhà hàng mì nổi tiếng Ichiran Ramen ở thành phố Hakata, tỉnh Fukuoka cho biết. "Phái nữ đặc biệt ủng hộ ý tưởng này".
Ichiran Ramen cung cấp cho thực khách những phòng ăn độc lập, ngăn cách bởi các tấm gỗ, che chắn họ khỏi tầm nhìn của những thực khách ngồi cạnh.
Ngày càng nhiều người Nhật Bản có nhu cầu tránh tương tác với xã hội. Ảnh: Kyodo. |
Khách hàng sẽ mua hàng từ máy bán tự động, chọn loại ramen yêu thích rồi ngồi ăn tại bất cứ gian ăn trống nào họ muốn. Thay vì được phục vụ dẫn đến bàn, thực khách sẽ tự đến buồng ăn, nhấn nút gọi và đưa đơn hàng cho phục vụ qua một cửa chớp phía trước mặt. Cửa chớp này chỉ được mở khi chuyển đơn đặt hàng và thức ăn được đưa lên.
Chủ chuỗi nhà hàng, ông Manabu Yoshitomi, nảy ra ý tưởng này từ một cuộc khảo sát khách hàng. Ông nhận thấy nhiều phụ nữ cảm thấy không thoải mái khi đến những cửa hàng ramen một mình, bởi họ không muốn bị người khác nhìn khi đang "xì xụp".
Cũng ở thành phố Hakata, chuỗi nhà hàng thịt nướng yakiniku West Co. tọa lạc tại những con đường chính với những bàn ghế lẻ dành cho khách hàng đi một mình. West Co. là địa điểm lý tưởng cho những người cần tìm kiếm bữa trưa riêng tư.
"Điều này rất tốt khi bạn có việc phải suy nghĩ hay cần tập trung vào ăn uống", một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Đi hát karaoke một mình là xu hướng phổ biến của phụ nữ trẻ Nhật Bản giữa những năm 2000 và đang được ngành dịch vụ khai thác triệt để. Ảnh: lmaga.jp. |
Xu hướng hát karaoke một mình cũng đang phát triển mạnh mẽ. Koshidaka Holdings Co. đã thiết lập chuỗi buồng karaoke với tên "1 kara" ở các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka, Sendai, Miyagi, Kawasaki và Kanagawa từ năm 2011.
Koshidaka phát triển hệ thống micro và tai nghe có độ trung thực cao, giúp khách hàng đi riêng lẻ dốc hết nỗi lòng qua những bài hát trong buồng cách âm. "Chúng tôi có tỷ lệ khách hàng thường xuyên tốt, doanh thu liên tục tăng trưởng ổn định", một người phát ngôn của công ty cho hay.
Tomoki Inoue, chuyên gia phân tích hành vi người tiêu dùng tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định việc mở rộng theo xu hướng phục vụ khách hàng cá nhân là cần thiết trong ngành công nghiệp nhà hàng, nơi có sự cạnh tranh gay gắt.
"Tình trạng kết hôn muộn và nhiều yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng số người độc thân. Thị trường này đang ngày càng phát triển".
Đăng nhận xét