Chùa Trầm do một vị tướng xuất gia lập nên từ thế kỷ 16, mang tên ngọn núi mà nó dựa vào. Xung quanh chùa có nhiều thắng cảnh như đền Mẫu, động Long Tiên...
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, danh thắng chùa Trầm Hà Tây là một điểm du lịch khá thú vị thuộc xã Phụng Châu, Chương Mỹ. Không bề thế như chùa Trăm Gian, Chùa Mía, chùa Trầm rất hợp với cái tên của mình. Hằng năm, cứ vào tháng hai âm lịch, chùa mở hội.
Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỷ 16, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên ngọn núi mà nó dựa vào, đó là Tử Trầm sơn. Toàn bộ khu núi này xưa kia là nơi đặt hành cung của vua Lê, chúa Trịnh. Nơi đây khung cảnh kỳ thú, xinh đẹp, từng được không ít văn nhân đến thăm và đề thơ. Hiện trong động Long Tiên vẫn còn lưu 15 bài thơ, phú vịnh cảnh núi Trầm khắc trên vách đá.
Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, đây còn là nơi đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam tiếp tục hoạt động khi rời Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ngôi chùa nhỏ bé cũng từng bốn lần được đón Bác về thăm.
Quần thể chùa Trầm gồm nhiều thắng cảnh: đền Mẫu nằm lưng chừng núi, động Long Tiên với 15 bài thơ khắc trên vách đá và kho tàng 60 pho tượng Phật. Trong động có dòng nước ngầm chảy ra đền Mẫu, “tiếng nước chảy không nghe thấy nhưng hay hơn vạn cổ cầm”…Không ít câu thơ ngợi ca danh thắng chùa Trầm:
“Nhờ ai tô điểm nên linh tích
Nức tiếng danh thơm núi Lạc Hồng”
Đến hẹn lại lên, cứ mồng hai tháng hai âm lịch hằng năm, dân quanh vùng và du khách tour du xuân 2018 lại về chùa dự lễ hội. Người dân đi lễ để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian như đu tre, rối nước, bàn cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà…
Ngày nay, những trò chơi xưa như leo cột mỡ, cờ tướng được thay thế bởi bóng chuyền, bóng đá… song nét đẹp văn hoá hội chùa Trầm vẫn không vì thế mà phai nhạt. Điều đặc biệt là vào dịp lễ hội này, nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chi Minh, dân làng lại làm lễ rước ảnh Bác, tượng trưng cho việc Bác về thăm.
Đăng nhận xét