GuidePedia

0
Không chỉ là nơi để tu tập cho người mong muốn giác ngộ, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh. Người dân có thể đến đây để tìm hiểu về văn hoá Phật giáo, thanh tĩnh tâm, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và hướng tới một đời sống cao thượng, tốt đẹp hơn, với cái tâm trong sáng, an lành, chân - thiện - mỹ.

Nơi bảo tồn giá trị văn hoá

Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa có tên gọi là Bảo Quang tự, tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. 


Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho du khách du lịch chùa Ba Vàng là  chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ khảo cổ còn lại thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần. Bia đá chùa Ba Vàng còn lưu dấu vị thiền tổ khai sáng cho Chùa là Đại thiền sư thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Sự mầu nhiệm của mảnh đất thiêng liêng này vẫn được người dân nơi đây nhắc đến đó là sự tích về giếng thần cổ. Mặc dù nằm ở độ cao 340m so với mặt nước biển, nhưng giếng không bao giờ hết nước và mạch nước này từ trong lòng núi chảy ra, quanh năm xanh mát. Tương truyền, vào đúng đêm giao thừa, nếu ai có duyên phúc uống được một ngụm nước trong lành nơi đây thì sẽ tiêu trừ nhiều bệnh tật trong người. Các phong thuỷ gia nói rằng, giếng được đặt tại mắt rồng của linh địa này.


Theo thời gian, ngôi chùa xưa chỉ còn sót lại một số di vật cổ bằng đá như: một số bia, rùa, chân cột và cây hương bằng đá trên có khắc 4 chữ “Thiên Bảo thạch trụ”. Vào những năm trở lại đây, trước sự xuống cấp của ngôi chùa xưa, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định trùng tu tôn tạo di tích chùa Ba Vàng chia ra làm nhiều giai đoạn với thành ý muốn xây dựng nơi đây làm trung tâm hoằng pháp của tỉnh Quảng Ninh; là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng. Đến thời điểm này, mặc dù ngôi chùa mới đang được xây dựng, chưa hoàn thành, nhưng đã toát lên vẻ thanh tịnh và bình yên nơi chốn Phật đài. 

Theo Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, sau khi được nhân dân “thỉnh” ra khôi phục, tôn tạo lại chùa Ba Vàng, bản thân thầy đã cùng với các phật tử, chính quyền địa phương đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, công sức vào đây. Cùng nhờ tâm nguyện thiết tha đó, đã giao cảm, giác ngộ chư tăng phật tử và nhân dân hằng tâm, hằng sản chung tay góp sức xây dựng công trình chùa Ba Vàng hiện nay. Với quy mô hiện tại, chùa Ba Vàng có thể được coi là một công trình Phật giáo lớn của Việt Nam, một điểm đến của nhân dân trong nước và du khách quốc tế; đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, đồng thời thấy được nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam.

Hội hoa cúc Ba Vàng - nét văn hóa cần được lưu giữ

Năm 2013, nhân hưởng ứng kỷ niệm 50 thành lập tỉnh Quảng Ninh, chùa Ba Vàng đã lần đầu tiên tổ chức Hội Hoa Cúc với mục đích thể nghiệm để xây dựng một lễ hội Hoa Cúc thường niên vào dịp tết Trùng Dương tại chùa Ba Vàng, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của dân tộc. 

Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết: Hoa Cúc vốn là một loài hoa đặc trưng của mùa Thu, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng văn hóa Phật giáo dưới thời nhà Trần, mang nhiều triết lý nhân sinh. Tại mảnh đất non thiêng Yên Tử trong quá trình khảo sát và tìm hiểu thì nơi đây cùng lúc tồn tại cả bốn loài cây được dân gian đặt vào bốn loài Tứ quý: Tùng - Trúc - Cúc - Mai. Việc phục dựng lại Hội Hoa Cúc không chỉ mang ý nghĩa văn hóa truyền thống đặc biệt đồng thời còn khơi gợi lại những màu sắc Văn hóa Phật giáo đặc biệt là văn hóa Phật giáo của Trúc Lâm tam tổ. 


Cũng theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, xưa kia, hoa cúc được gắn liền với tết Trùng Dương (hay còn gọi là tết Trùng Cửu) ngày 9-9 âm lịch. Tết Trùng Cửu được lấy đúng ngày có sự lặp lại của hai con số 9 để nói về thành tựu, sự cao quý, chung thủy và trường thọ. Trong hoa cúc cũng có một loài tên là cúc Vạn Thọ, cho nên hoa cúc cũng là biểu tượng của những đức tính cao đẹp đó.

Tại lần tổ chức đầu tiên, nhiều phật tử tham dự Hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng đã không giấu nổi niềm thích thú, khi được thưởng lãm sự phong phú của loài hoa quen thuộc này. Và hơn thế, mỗi người cũng đã học hỏi được rất nhiều điều từ những ý nghĩa sâu sắc và thú vị của mỗi một màu hoa khác nhau. Hoa cúc là hoa của sự thủy chung son sắc của người với người, là hoa của niềm hân hoan vui vẻ nhưng cũng là niềm động viên, an ủi sưởi ấm lòng người những lúc mất mát hay yếu mềm. 

“Qua lễ hội này, tôi tin rằng nhiều du khách tour du xuân 2018 đã yêu quý hoa cúc rồi sẽ càng thêm yêu quý hoa cúc hơn và những ai đã vô tình hời hợt với loài hoa đáng yêu này, thì nay cũng phải trở về và xiêu lòng trước chúng”, phật tử Vy Hạnh cho biết. 

Những dư âm ngọt ngào của Hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng mãi còn đọng lại trong lòng những du khách thập phương, để cùng hẹn gặp lại nhau trong Hội Hoa Cúc những năm tiếp sau với lời chúc cho tất cả mọi người sức khỏe, an vui, tình thương thêm lớn, và luôn như những bông hoa cúc tiếp tục sứ mệnh tỏa ngát hương thơm tô thắm cho cuộc đời. 

Đăng nhận xét

 
Top