GuidePedia

0
Được ví như xứ sở của lễ hội nên ngay từ những ngày đầu tháng Giêng, trên quê hương Quan họ đã rộn rã với nhiều lễ hội đặc sắc thu hút hàng vạn du khách muôn phương dập dìu du Xuân, trảy hội, cầu mong cho quê hương, đất nước bình yên, phát triển, nhà nhà hạnh phúc, yên vui. Đất trời như chiều lòng người, những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, nắng ấm bừng lên càng làm cho những lễ hội miền Kinh Bắc náo nức, rộn ràng.

“Mùng bốn đi hội kéo co/Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về…” theo câu ca ấy, chúng tôi tìm về Hữu Chấp (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) dự hội kéo co - trò chơi đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nắng Xuân trải dài, làng quê Hữu Chấp bừng lên sức sống mới. Lễ hội kéo co thôn Hữu Chấp là lễ hội đặc sắc, là nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…


Bên cạnh phần tế lễ diễn ra trang nghiêm, phần hội được dân làng và du khách tour lễ hội 2018 háo hức chờ đợi bởi màn thi tài kéo co hấp dẫn giữa các trai tráng trong làng. 70 trai tráng khỏe mạnh chia thành hai đội bên Đông và bên Tây. Phần tế lễ kết thúc cũng là lúc cây dây bằng tre treo trên chái đình được hạ xuống để bắt đầu phần thi kéo co. Sau ba hồi trống lệnh, hai đội ra chào dân làng. Tất cả đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Cuộc thi đấu diễn ra sôi nổi trong tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt của người dự hội và tiếng trống hội thúc liên hồi. Hai keo đầu, hai đội Đông - Tây bất phân thắng bại. Đến keo thứ ba thì dân làng ùa vào kéo giúp bên Đông giành thắng cuộc. Đây là tục lệ lâu đời bởi người dân nơi đây quan niệm nếu bên Đông thắng cuộc thì cả năm mùa màng sẽ bội thu. Ông Trần Văn Trình, Trưởng thôn Hữu Chấp phấn khởi: “Năm nay du khách thập phương về dự hội đông hơn hẳn những năm trước. Ban tổ chức đã bố trí lực lượng bảo đảm an ninh và kiểm tra, nhắc nhở không để xảy ra các hiện tượng mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình trái với thuần phong mỹ tục tại lễ hội”.

Hội làng Hữu Chấp còn tạo nhiều ấn tượng với người dự bởi nhiều trò chơi dân gian như: Đánh đu, chọi gà, đập niêu đất, cờ người... và những câu ca Quan họ ngọt ngào của các liền anh, liền chị làng Hữu Chấp và các làng Quan họ trong vùng như: Viêm Xá, Thanh Sơn, Cổ Mễ, Đẩu Hàn...


Theo dòng người du Xuân về phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) để được hòa mình vào không gian lễ hội pháo. Lễ hội Đồng Kỵ diễn ra từ ngày 4 tháng Giêng và được tổ chức quy mô với nhiều phong tục truyền thống, thu hút hàng nghìn người tham dự. Theo thần tích, các phong tục trong lễ hội Đồng Kỵ đều liên quan đến chiến công của Đức Thánh Thiên Cương, người có công giúp Vua Hùng dẹp giặc Xích Quỷ giữ yên bờ cõi, đã được dân làng Đồng Kỵ tôn thờ là Thành hoàng như tục kiệu ông Đám, tục chạy đuốc… đặc biệt là hội pháo Đồng Kỵ. Tương truyền, lễ hội pháo bắt nguồn từ việc tướng Thiên Cương sau khi thắng giặc dẫn quân thắng trận trở về được làng mở hội khao quân, từ đó, hằng năm cứ vào mùng 4 tháng Giêng, lễ hội pháo được dân làng Đồng Kỵ tổ chức rất náo nhiệt. Từ khi Nhà nước có quy định cấm đốt pháo nổ, nhân dân Đồng Kỵ thay đốt pháo bằng nghi thức rước pháo trong ngày hội.

Lễ rước pháo năm nay được chuẩn bị chu đáo. Các tràng và hai quả pháo lớn được làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, trên có hình tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng được rước về đình Đồng Kỵ. Quanh phù giá là những trai tráng khỏe mạnh khiêng kiệu, cầm cờ, khiêng pháo. Vừa rước, các trai tráng vừa vỗ tay, reo hò làm không khí lễ rước vui tươi, rộn rã. Phần hội với nhiều hoạt động như hát Quan họ, đấu vật, chọi gà, cờ tướng…

Cũng là một trong những lễ hội diễn ra sớm, lễ hội khán hoa chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương trảy hội. Mặc dù ngày mồng 4 Tết mới là chính hội nhưng từ ngày 1 Tết, nơi đây đã là điểm đến đầu tiên của hàng nghìn du khách tour du lịch chùa Phật Tích trong niềm hân hoan tìm về cõi tâm linh đầu Xuân năm mới.


Hội khán hoa mẫu đơn có truyền thống lâu đời, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày từ mồng 3 đến 5 tháng Giêng với các hoạt động văn hóa, tâm linh truyền thống. Ngày mồng 4 - ngày chính hội năm nay, một lượng lớn Phật tử, du khách tìm về lễ hội. Cùng với việc thưởng thức những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ Phật cầu bình an, cầu may đầu năm được coi là điểm nhấn và tín ngưỡng đặc biệt của lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích.

Chị Nguyễn Việt Hà cùng đại gia đình từ tỉnh Phú Thọ về đây lễ Phật cho biết: “Về với chùa Phật Tích trong mùa Xuân này, chúng tôi được chiêm bái tượng Phật A-di-đà, pho tượng đá cổ nhất Việt Nam, được vãn cảnh chùa và chiêm ngưỡng pho tượng Phật khổng lồ trên đỉnh núi, tham quan tháp chuông và đại hồng chung. Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa tâm linh truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tôi và gia đình cầu mong một năm mới an lành, thuận buồm xuôi gió.” Để tạo thuận lợi cho du khách du Xuân, trảy hội thuận tiện, an toàn, huyện Tiên Du đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội.

Trong hai ngày 5 và 6 tháng Giêng, lễ hội Ném Thượng (Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) cũng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của tướng Lý Đoàn Thượng - người có công với làng, được nhân dân suy tôn làm Thành Hoàng làng. Lễ hội làng Ném Thượng được tổ chức với nhiều nghi thức truyền thống. Làng mổ lợn làm cỗ Ngọc tế Thánh chứ không tổ chức chém lợn ngoài sân đình. Hội Ném Thượng còn có hát Quan họ, giao lưu văn nghệ, cờ tướng…

Đăng nhận xét

 
Top