Nằm ở phía tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông (thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là ngôi đền lớn, cổ kính mang nhiều dấu vết, huyền tích linh thiêng về Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn.
Đền Mẫu Đông Cuông Yên Bái cũng được coi là đền thờ chính của Mẫu Thượng ngàn – vị Mẫu đứng vị trí thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu. Điểm độc đáo của tục thờ Mẫu ở Đông Cuông là đã dung hòa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa.
Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…Theo thần tích của dòng họ Hà, tổ phụ của dòng họ từng lãnh đạo nhân dân chống giặc Mông – Nguyên, bị tử trận. Để ghi nhớ công trạng của ông, nhân dân Đông Cuông đã lập miếu thờ. Vợ cùng con trai ông khi mất cũng được thờ ở đây, ít lâu sau ban thờ của mẹ con bà được di chuyển sang đền Đông Cuông. Một số người địa phương thuộc nghĩa quân Tày, Nùng, Dao khởi nghĩa chống Pháp thất bại, bị chính quyền Pháp hành hình cũng được nhân dân tôn thờ tại đền.
Trong tâm thức của người dân nơi đây, Mẫu Thượng ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi. Điều đặc biệt ở đây, Mẫu Thượng ngàn đã được nhân dân các dân tộc bản địa khắc họa với những quan niệm, triết lý riêng, rất gần gũi với cuộc sống, mang màu sắc địa phương, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho người dân nơi đây.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đạo Mẫu ở mỗi vùng, miền, địa phương có những nét riêng. Ở Đông Cuông, việc dung hòa tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn với văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc diễn ra một cách tự nhiên, chính điều đó góp phần tạo nên nét độc đáo của bản sắc văn hóa.
Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín (Âm lịch), vật tế là trâu trắng (tháng Giêng) và trâu đen (tháng Chín). Đồng bào người Tày Khao ở Đông Cuông và du khách tour lễ hội 2018 quan niệm Lễ hội đền Đông Cuông chính là “lễ cưới lại” của Mẫu và Đức Ông. Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa dân gian, hát chèo, diễn tích, ném còn, đánh vật... với ước vọng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam cho biết, căn cứ theo truyền thuyết Đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái là nơi Mẫu Thượng ngàn giáng sinh và ngự. Đây được coi là nơi phát tích tục thờ Mẫu Thượng ngàn, tôn thờ người mẹ vũ trụ của núi rừng; phù hộ thương nghiệp, bảo vệ cương thổ, bảo vệ môi trường tự nhiên; gắn liền với ước vọng, với niềm tin tâm linh được che chở của đồng bào các dân tộc địa phương nơi đây.
Là người gắn bó với Đạo Mẫu nhiều năm, luôn trăn trở và ý thức với việc gìn giữ vốn văn hóa quý giá của dân tộc, nghệ nhân dân gian Dương Thị Phương Đông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên cho biết, trong niềm tin của các đệ tử Đạo Mẫu, mảnh đất của núi rừng Đông Cuông, Yên Bái chính là cội nguồn của Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn. Hàng năm, các bản hội bốn phương đều về đây để thực hành tín ngưỡng, lễ Mẫu Thượng ngàn, cầu mong Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, cuộc sống thịnh vượng. Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiệm vụ của các thanh đồng, các bản hội thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chính là phải biết gìn giữ và bảo tồn bản sắc của dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa đã được cha ông trao truyền.
Đăng nhận xét