GuidePedia

0
Động Mê Cung (Quảng Ninh) là điểm đến hấp dẫn của Vịnh Hạ Long, nằm trên đảo Lờm Bò, ở độ cao 25m so với mực nước biển, cách đảo Titop khoảng 2km về phía Tây Nam. Động Mê Cung còn được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc nền văn hóa Hạ Long sớm, cách ngày nay từ 7.000 đến 10.000 năm.

Giới thiệu về Động Mê Cung

Nhìn từ xa, cửa hang Mê Cung như một mái nhà ăn sâu vào sườn núi. Tổng thể bên trong, động Mê Cung có cấu trúc rất phức tạp, chia làm nhiều cấp, nhiều ngăn, ngách trải rộng trong phạm vi mái đá với một hành lang dài hơn 100m.


Những nét mới lạ của du lịch Tràng An Bái Đính 2017

Từ cửa hang, qua một khe hẹp, lòng động mở ra nhiều ngăn với ấn tượng đầu tiên là từng chùm nhũ đá muôn màu rủ xuống từ trần động. Tiếp đến, không gian bên trong tuy nhỏ nhưng được tạo hóa chạm khắc công phu bằng những nhũ đá muôn hình, gợi trí tưởng tượng đến các loài hoang dã như sư tử, gấu, hay những bức rèm đá buông dài trên vách...

Động Mê Cung cao dần về phía Tây. Đi đến gần cuối động, một luồng ánh sáng nhạt từ xa hắt lại, đó là con đường dẫn ra cửa động. Từ đây, leo tiếp vài bậc đá lởm chởm, nhìn xuống dưới là hồ Mê Cung rất tròn và rộng, nằm lọt giữa các bức tường thành núi đá, dường như độc lập với biển khơi, nước bốn mùa trong xanh phẳng lặng như gương.

- Đặc biệt, lòng hồ là thế giới của các loài sinh vật như cá, tôm, cua, mực... cùng rong, tảo, san hô, hải sâm đang sinh sôi nảy nở, tạo đà cho nhiều loài động - thực vật đặc hữu ở Vịnh Hạ Long phát triển. Theo các nhà khoa học, hồ Mê Cung là một khu vực sinh thái địa chất rất có giá trị nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh là một khu đất có nhiều cây cổ thụ già nua soi bóng mặt hồ, người dân địa phương thường gọi là “vườn thượng uyển” bởi không gian xanh mát quyến rũ. Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, kỳ đà...

Giá trị khảo cổ Động Mê Cung

Cửa động Mê Cung Vịnh Hạ Long quay về phía Đông, có một khoảng rộng 40m2 rất bằng phẳng, mà theo các nhà khảo cổ học, thì đây là một mái đá lý tưởng cho con người cư trú vì khô ráo và thoáng mát nhờ phía sau là một hệ thống hang động nhỏ rất kín đáo. Đây cũng là nơi tìm thấy nhiều nhất các vỏ ốc Melania - loài ốc chỉ sống ở suối. Phía trên mái đá còn có 4 tảng trầm tích vỏ ốc gồm cả ốc suối và ốc núi, dày từ 60-150cm.


Công tác chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương 2017

Ngoài vỏ ốc, trong động Mê Cung còn có các mảng vỏ trai, hến, sò và trùng trục - là những loài nhuyễn thể nước ngọt, cùng tập hợp các xương thú đã hóa thạch hoặc bán hóa thạch, được tìm thấy ở một ngách sâu và kín đáo của động Mê Cung. Trong tương lai, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các xương thú này sẽ cho chúng ta những câu trả lời hữu ích về môi trường sống, đối tượng khai thác, cách thức ăn uống và thậm chí cả quan niệm tâm linh của người tiền sử.

Với những giá trị khảo cổ và đặc điểm kiến tạo độc đáo cùng cảnh quan tuyệt đẹp, đến tham quan Động Mê Cung sẽ góp phần cho chuyến khám phá Vịnh Hạ Long của khách du lịch trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn.

Đăng nhận xét

 
Top