Chùa Bà Đanh (Kim Bảng, Hà Nam) xưa nay vốn nổi tiếng với câu cửa miệng quen thuộc “vắng như chùa Bà Đanh” gắn với những huyền tích bí ẩn và linh thiêng. Chính điều này lại tạo nên vẻ đẹp yên bình và thanh tịnh cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.
Tương truyền, ngôi chùa có từ thế kỷ thứ 7, ban đầu là một ngôi đền nhỏ được dựng bên bờ sông Đáy dưới chân núi Ngọc, trấn yểm một vùng hoang vắng. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), đền được xây dựng lại thành chùa to đẹp, khang trang hơn.
Ước tính lượng khách tham dự lễ hội chùa Hương 2017 sẽ tăng kỷ lục
Dân làng tổ chức rước vong Bà Chúa Đanh về thờ (vị thần Pháp Vũ trong tín ngưỡng Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Bấy giờ có mưa to gió lớn làm đổ cây cổ thụ trong chùa. Người làng bèn nhờ thợ giỏi tạc tượng Bà Đanh, rồi làm lễ hô thần nhập tượng và đặt trong điện thờ. Lúc này, dưới bến nước trước chùa có vật lạ nửa chìm nửa nổi, đẩy ra thì cứ dạt vào. Dân làng vớt lên thì thấy một cái ngai bằng gỗ. Họ đưa vào chùa, đặt tượng lên thì vừa khít. Từ đó dân làng gọi là chùa Bà Đanh.
Về sau, trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lời đồn Bà Đanh linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương tìm về cầu khấn, thuyền bè qua lại đều dừng chân bái vọng. Một hôm, có kẻ hành hương lỡ buông lời bất kính thì lăn ra hộc máu. Cho rằng Bà ra tay trừng phạt, nhiều người lo lắng mà không dám đến chùa vì sợ không giữ được mồm miệng. Dần dần, thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh” ngày một đồn xa.
Đó chỉ là một trong những huyền tích về ngôi chùa Bà Đanh vốn linh thiêng mà hoang vắng này. Có ý kiến khác cho rằng, xưa kia vùng này rừng rậm hoang vu lại nhiều thú giữ, nên ít người dám lui tới. Nhưng thực hư thế nào thì không ai dám chắc, sử sách cũng không thấy ghi chép.
Theo các vị thâm niên trong làng cho biết: Chùa Bà Đanh có rất nhiều giai thoại huyền bí mà các cụ ngày trước thường hay kể lại cho con cháu nghe. Tuy nhiên, thời gian đã khiến các giai thoại ấy thất truyền, và câu hỏi “tại sao chùa Bà Đanh vắng” hầu như không thể lý giải rõ.
Qua chiếc cầu treo Cấm Sơn dài hơn 100m khá bề thế bắc qua sông Đáy, thấp thoáng bên bờ là ngôi chùa Bà Đanh ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ. Theo con đường nhỏ dẫn lối vào chùa được đổ bê tông phẳng lì, sạch đẹp, hai bên rợp bóng cây nhãn, cây vải già cỗi, có thân xù xì bám đầy những dây leo tầm gửi.
Sân chùa Bà Đanh được lát đá, trồng nhiều loài cây như: đa, sứ, hoa lan, cùng những cây bưởi trĩu quả, và đặc biệt là trồng rất nhiều cây đào tiên tán thấp có quả to, tròn, chi chít đầy cành. Bến nước của chùa thoai thoải xuống bờ sông, dưới các bậc đá màu xám ngà ngà phủ đầy những chiếc lá đa, gợi lên không gian thanh tịnh.
Khuôn viên chùa Bà Đanh trải rộng khoảng 10ha, bao gồm nhiều hạng mục công trình lớn nhỏ tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn như: Tam Quan, Tả Vu, Hữu Vu, Nhà Tổ, Phủ Mẫu... với dáng vẻ cổ kính, rêu phong. Mặt chùa hướng chính Nam nhìn ra dòng sông Đáy hiền hòa, cảnh quan trời mây non nước hữu tình.
Bên trong chùa Bà Đanh còn lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý từ thời Lý, Trần. Ngoài tín ngưỡng Tứ Pháp, chùa còn thờ Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu... trung tâm nhất là bức tượng Bà Chúa Đanh được tạo tác công phu, nét mặt hiền từ, gần gũi, tư thế toạ thiền trên ngai.
Đặc biệt, trên 6 bộ vì kèo của nhà bái đường đều được chạm khắc cả hai mặt với các mô-típ tứ linh, động-thực vật kết hợp tạo thành những đề tài ngũ phúc, bát bảo đậm nét tinh xảo, hoa văn sơn son thếp vàng lộng lẫy... thể hiện phong cách nghệ thuật cổ truyền đặc sắc.
Sau khi vãn cảnh chùa Bà Đanh, núi Ngọc sẽ là điểm khám phá hấp dẫn tiếp theo, nằm cách chùa chỉ chừng 100m. Bạn có thể leo lên đỉnh núi Ngọc không cao lắm, trên núi có cây si cổ thụ, tương truyền đã hàng trăm năm tuổi. Từ trên cao, bạn còn được thỏa thích ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh đẹp mắt.
Những kỷ niệm đẹp của tour du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm
Đã thành lệ bao đời, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tri ân đức thánh bà Pháp Vũ - vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Đồng thời lễ hội cũng nhằm tôn vinh, cảm tạ ân đức của các vị thần phù trợ cho cuộc sống của nhân dân.
Thông thường, lễ hội chùa Bà Đanh diễn ra trong ba ngày, có năm lấy ngày mồng 9-10-11, hoặc 20-21-22, hay 15-16-17 tháng 2 âm lịch để tổ chức. Tùy từng năm và dựa vào tình hình thời tiết, thời vụ của người dân trong vùng, mà nhà chùa chọn ngày đẹp rồi báo cáo với ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng, sau đó mới thông báo rộng rãi.
Ngày nay, dường như câu thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh” đã không còn phù hợp, bởi huyền tích linh thiêng và cảnh sắc thanh nhã nơi đây đã thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Đăng nhận xét