GuidePedia

0
Khu di tích Lam Kinh ở Thanh Hóa được mệnh danh là chiếc “nôi vàng” của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Nơi đây còn lưu lại dấu tích của một thời vương giả với các công trình bề thế và tạo tác trang trí công phu.

Lịch sử khu di tích Lam Kinh

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, người có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, xưng vua Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.


Những lưu ý khi du lịch chùa Hương 2017

- Kể từ đó, các công trình kiến trúc được bắt đầu xây dựng tại Lam Kinh, làm nơi tập trung lăng mộ của các vị vua nhà Lê, gia quyến và một số quan lại trong hoàng tộc; đồng thời là chốn nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên. Đến năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Và đến năm 2012, khu di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định giá trị lịch sử quan trọng của đất nước.

Kiến trúc khu di tích Lam Kinh

Mặt bằng khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30ha, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, xa xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi có hình dáng chữ “vương”, bao gồm:

Ngọ môn Lam Kinh : kiến trúc khá quy mô với 3 gian và 3 cửa ra vào, phía trước cổng có 2 tượng nghê đá đứng canh.

Sân rồng Lam Kinh : với diện tích lớn nhất trong khu di tích Lam Kinh, và có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng.

Cầu Bạch : uốn cong bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.

Giếng cổ : trong xanh quanh năm không cạn, bờ bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh.

Chính điện Lam Kinh : bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Kiến trúc ba toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ. Đây là công trình kiến trúc gỗ quy mô, với hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính đến 62cm. Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều có 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian 2 đầu hồi chỉ rộng 2m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện.

Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ) : được xây dựng trên một nền bằng phẳng với thế đất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả hữu có 2 dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Trước lăng có 2 tượng quan hầu và 4 đôi tượng con giống bằng đá (2 nghê, 2 ngựa, 2 tê giác, 2 hổ) cùng chầu vào đường “thần đạo” của lăng để trấn trạch. Tổng thể bố cục, phong cách mai táng của Vĩnh Lăng Lam Kinh giản dị và tôn nghiêm.

Bia Vĩnh Lăng : được làm bằng đá trầm tích nguyên khối, đặt trên lưng rùa đá. Nội dung văn bia do Nguyễn Trãi soạn, ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ. 

Thái miếu Lam Kinh : gồm 9 tòa được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê.
Đền thờ Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ): nằm ở phía Đông Nam khu di tích Lam Kinh, kết cấu gỗ theo kiến trúc truyền thống.


Những chuẩn bị cần thiết cho tour du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm

Ngoài các kiến trúc tiêu biểu kể trên, trong khu di tích Lam Kinh còn có các lăng mộ, hệ thống công trình phụ trợ, cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khác.

Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa

Khởi nguồn, lễ hội Lam Kinh bắt đầu từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Ngày nay, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi) tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

- Phần đại lễ của lễ hội Lam Kinh : diễn ra trong không khí hào khởi với trống chiêng vang trời. Đoàn rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Lê Lai cùng quân kiệu, quân cờ xuất phát từ đền thờ vua Lê Thái Tổ về sân rồng Lam Kinh để hành lễ theo đúng nghi thức cổ truyền.

- Phần hội của lễ hội Lam Kinh : diễn ra với các tiết mục tái hiện lại các sự kiện lịch sử như: Hội thề Lũng Nhai, dòng suối Lê Lợi vi quân - Nguyễn Trãi vi thần, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, hay vua Lê Thái Tổ đăng quang... Tiếp đến là các trò diễn, trò chơi dân gian đặc trưng của xứ Thanh Hóa như: trò xuân phả, trò chiềng, múa rồng, trống hội, dân ca dân vũ Đông Anh, trò Bình Ngô, ném còn, bắn nỏ, múa pồn pông...

Ngoài ra, một chuyến du lịch Lam Kinh, du khách còn có dịp thưởng thức các sản vật nổi tiếng nơi đây như: hương vị cay cay ngọt ngọt của món chè lam Phủ Quảng; nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ ; hay thử cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng...

Đăng nhận xét

 
Top