GuidePedia

0
Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể Di tích lịch sử văn Hóa quý của cả nước, và là điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Hà Nội. Trước kia, đây là nơi diễn ra các cuộc thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Và ngày nay trở thành nơi khen tặng các học sinh xuất sắc, và là chốn "cầu may" của các sĩ tử trước kỳ thi.

Theo thông tin giới thiệu Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Bên trong có tượng Chu Công, Khổng Tử cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và hình vẽ các hiền nho để thờ cúng, bốn mùa tế lễ. Đây còn là nơi học của thái tử Lý Càn Đức và nguyên phi Ỷ Lan.


Những tour lễ hội chùa Hương đầu năm 2017 hấp dẫn nhất

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu. Lúc đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận các học trò thường dân có học lực xuất sắc.

Đến đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được đề cử làm quan Quốc Tử Giám tư nghiệp (tức hiệu trưởng ngày nay) và cũng là thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Đến năm 1370, Chu Văn An qua đời và được vua Trần Nghệ Tông cho lập ban thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Hậu Lê, nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ đạt Tiến sĩ từ khóa thi năm 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Hiện nay, khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn còn 82 tấm bia tiến sĩ được bảo tồn nguyên vẹn.

Năm 1762, vua Lê Hiển Tông cho sửa lại Quốc Tử Giám làm Cơ sở giáo dục cao cấp của triều đình. Năm 1785, Quốc Tử Giám được đổi thành nhà Thái Học. Đến đầu thời Nguyễn 1802, vua Gia Long bãi bỏ trường, xây đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử và Khuê Văn Các ở phía trước Văn Miếu. 

Những thay đổi tích cực của du lịch Yên Tử 2017

Quốc Tử Giám được đổi thành nhà Thái Học từ năm 1785, đến năm 1947 thì bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại cái nền, 2 trụ đá và 4 nghiên đá có khắc chữ “Thái Học đường nghiên”. Khu nhà Thái Học mới được xây dựng lại từ năm 1999 với diện tích 1530m² trên trên nền đất cũ, gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống... mô phỏng theo kiến trúc truyền thống, hài hoà với tổng thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đến năm 2003, thành phố Hà Nội đã cho đúc tượng đồng 4 danh nhân: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An để thờ tự trong nhà Thái Học.

Với vẻ đẹp kiến trúc qua các triều đại, bề dày văn hóa truyền thống và giá trị lịch sử của Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Hà Nội. Ngoài ra, đây và còn là nơi tổ chức hội thơ vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm.

Đăng nhận xét

 
Top