GuidePedia

0
Gà đen hay còn gọi là gà thịt đen, gà xương đen, gà Mông, là một đặc sản của Hà Giang nói chung và là một loại thuốc quý của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn. Giống gà này được nuôi rải rác ở 4 huyện vùng cao núi đấ là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, nhưng được nuôi nhiều nhất ở Quyết Tiến (Quản Bạ).

Gà đen của người Mông không phải là giống gà ác nhỏ con, thịt đen, xương đen. Nó to khoảng tầm giống gà ri, khi trưởng thành chỉ nặng từ 1.2 – 1.6 kg. Thân hình gà thon nhỏ, chân cao, bay nhảy rất tốt. Do sống thả rông, hoang rã, loài gà này rất dữ, rất hay đánh nhau. Thịt gà Mông không tanh do lượng sắt trong thịt rất thấp.

Với ưu điểm thịt gà chắc, ngọt thơm, đun quá lửa không hề bị nát, thịt gà đen là món không thể thiếu trong thực đơn của du khách khi đến thăm du lịch Hà Giang tháng 11. Thịt gà đen có thể chế biến thành các món như những  loại thịt gà khác, nhưng ở Hà Giang, đồng bào thường hay chế biến món gà rang gừng và canh gà để thết đãi quý khách.

Gọi là gà Mông vì giống gà này được gầy giống và nuôi bởi đồng bào Mông được xem là đặc sản bản địa của người dân tộc thiểu số Mông ở vùng cao. Loại gà này có lông đen hoặc nâu đen. Da, thịt, nội tạng và xương đều có màu đen nhưng khác với gà ác. Thông thường, trong một bầy gà Mông chân chì, lông đen huyền, mồng đen…, chỉ vài chú gà có da, xương cũng cùng màu đen, còn thì da và xương của các anh em cùng bầy vẫn mang màu vàng trắng.

Gà Mông thường được thực khách yêu thích so với những loại gà bình thường khác là vì thịt dai, ngon và bổ. Tập quán sống của gà này là bay nhảy không thua kém giống gà rừng. Gà con mới một ngày tuổi đã học bay. Gà luôn sử dụng đôi cánh của mình để bay cao, bay xa tìm thức ăn.


Gà được nuôi trong môi trường hoang dã nên chất lượng thịt tốt, ít mỡ. Không những thế theo các nhà khoa học, gà Mông cung cấp lượng axit glutamic cao tới 3,87%, cao hơn gà ri, gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm. Thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, thịt gà Mông có hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược. Không chỉ sử dụng thịt làm món ăn và vị thuốc mà những bộ phận khác của gà Mông cũng rất có giá trị như mật gà được dùng để chữa bệnh ho cho trẻ em, xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân,…

Cách chế biến gà Mông cũng tương tự như những giống gà khác bằng các món như luộc chấm muối chanh ớt, nướng, nấu cháo hay dùng làm lẩu gà  đều ngon tuyệt. Không những thế gà Mông là sự lựa chọn số một hơn cả gà ác cho món tiềm thuốc bắc, hầm nấm Linh chi, tiềm sâm quý để làm  những vị thuốc chống suy nhược, bồi bổ, hồi phục sức khỏe.

Giờ đây gà Mông từ miền ngược được các thương lái hay người dân đem về miền xuôi thuần hóa nuôi dưỡng… và trở thành món đặc sản mới trong thực đơn nhiều nhà hàng, quán ăn khắp nơi. Bấy lâu nay du khách thường quen thuộc với món tần thuốc bắc của gà ác nhỏ con, thịt đen nhẻm, nhưng giờ, bắt đầu chuyển sang tìm kiếm giống gà  Mông thịt đen, xương đen từng được coi là “món ăn của vua chúa” làm món ăn vừa ngon vừa bổ.

Đăng nhận xét

 
Top